Bản Du Ca Cuối Cùng
"Bản du ca cuối cùng" là câu chuyện về những mảnh đời trôi dạt khỏi quê hương xứ sở. Đọc cuốn sách vào thời điểm chiến sự Ukraina ngày càng căng thẳng lại càng thêm thấm thía nỗi khổ cực và đau buồn mà dân thường phải gánh chịu vì chiến tranh. Những phận người phải bỏ lại tất cả sau lưng trong tác phẩm Bản du ca cuối cùng là người Do Thái hoặc người Đức bị gán tội trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai. Ở lại thì sẽ bị tống vào trại tập trung, chịu một cuộc sống không bằng chết nên chỉ còn cách ra đi. Cuộc sống rày đây mai đó của những người ly tán cũng chẳng mấy khi được yên. Họ phải sống trong thấp thỏm và lo sợ không ngừng vì lúc nào cũng có thể bị bắt, lúc nào cũng bị cái đói bủa vây. Khi ấy, con người hơn nhau chỉ ở tấm giấy thông hành. Không có giấy thông hành đồng nghĩa với việc bị tước bỏ tư cách làm người, trở thành một sự vô thừa nhận trong mắt chính quyền các nước trong khu vực châu Âu. Từ trẻ đến già, tất cả những ai lâm vào cảnh tháo chạy khỏi đất nước của chính mình đều trở thành người không quê hương. Đó là Kern và Ruth – đại diện cho lớp trẻ tuổi đôi mươi phải vứt bỏ tương lai tươi sáng vì bản thân là người Do Thái. Đó là Steiner – đại diện cho trường hợp tình yêu bị chia cắt vì muốn giữ cho người thân yêu nhất một con đường sống, dẫu cho sự phân ly không khác gì nhát dao xẻ đôi nguồn sống của cả hai. Đó là Marill – đại diện cho sự bất lực của tri thức trước bạo lực hung tàn. Và còn nhiều người khác nữa góp câu chuyện của mình vào Bản du ca cuối cùng, một khúc nhạc buồn nhưng vẫn cố ngân lên những thanh âm êm dịu và đẹp đẽ về tình người ở bên rìa xã hội. Chỉ có những người đã đến cảnh khốn cùng mới có thể giúp đỡ nhau, cùng nương tựa để tồn tại, bởi “điều mà nhân loại còn đang thiếu thốn chính là một lòng tốt bình thường”. Trong sách, có đoạn một người Nga rời khỏi đất nước 10 năm trước do cuộc nội chiến đã cảm thán rằng không ngờ đến lượt người Đức lại phải khốn khổ chạy trốn vì nạn diệt chủng Do Thái và chiến tranh thế giới. Rồi đến nay, có lẽ những người trong thời kỳ đó cũng sẽ nói “không ngờ” trước cảnh tượng người Ukraina bồng bế nhau bỏ chạy khỏi vùng chiến sự, xa rời quê hương, lặp lại bản du ca buồn một lần nữa. Có lẽ Erich Maria Remarque viết "Bản du ca cuối cùng" với niềm hy vọng không còn ai phải chịu cảnh sống lưu vong trôi nổi như chính tác giả, nhưng tiếc thay, ước nguyện của ông vẫn chưa thành sự thật. Nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn đó. Vết thương chiến tranh chỉ vừa mới liền miệng nay lại rướm máu. Chính vì vậy mà tác phẩm có sức lay động rất lớn, nhắc người đọc nhớ rằng chiến tranh là nỗi đau của nhân loại.