Đường Về
Trở về – là khải hoàn sau những năm chiến chinh, là đoàn tụ sau thời gian xa cách, là khoảnh khắc ấm áp của những con người đã tìm lại được nhau… Nhưng cuộc trở về của những người lính Đức sau Thế chiến I lại là hành trình khắc nghiệt của những cánh chim lạc bầy vật lộn giữa bão giông tìm đường quay lại cố hương, là gánh nặng của lửa đạn chiến tranh chết chóc, là hố thẳm ngăn cách giữa hai phần của cuộc đời. Và cả khi vượt qua tất cả để sang tới bến bờ bên kia, họ cũng chưa chắc sẽ tìm được những gì dấu yêu mình từng để lại sau lưng vào cái năm ly biệt. Đây là lần đầu tiên "Đường về", tác phẩm được xem như phần hậu của "Phía Tây không có gì lạ" bởi sự tái xuất của một số nhân vật, ra mắt tại Việt Nam. Qua bản dịch đầy hồn lính mà vẫn đậm chất thơ của dịch giả Vũ Hương Giang, độc giả sẽ lại được gặp một Remarque rất khác, vừa khắc nghiệt lại mơ màng, trong tuyệt vọng lại hồi sinh hy vọng. Nghệ thuật kể chuyện trong “Đường về” khiến độc giả phải không ngừng theo dõi diễn biến của câu chuyện. Đó không chỉ đơn giản là lời trần thuật của nhân vật tôi kể về cuộc đời của mình, mà đó còn là số phận những người đồng đội, cả những người đã hi sinh nơi lửa đạn bom rơi và những người trở về khi hòa bình lập lại. Erich Maria Remarque đã từng tâm sự: “Tuổi trẻ của thế giới đã bị đập tan tành. Ở đất nước nào, tuổi trẻ cũng bị lừa dối, bị lạm dụng, ở đất nước nào tuổi trẻ cũng chiến đấu vì lợi ích thay vì lí tưởng, ở đất nước nào tuổi trẻ cũng bị bắn hạ và tiêu diệt lẫn nhau”. Chính ông cũng mất một phần tuổi trẻ cho chiến tranh, và có lẽ những trải nghiệm đau đớn ấy khiến ông viết nên những tác phẩm thành công của mình. Nếu bạn yêu thích văn phong của nhà văn Đức này, hãy tìm đọc thêm danh sách tác phẩm của ông trên văn đàn Việt Nam như: “Ba người bạn”, “Bia mộ đen”, “Thời gian để sống và thời gian để chết”, “Khải hoàn môn”, “Đêm Lisbon”, “Bóng tối thiên đường”…