Điểm sách

Sông


Đọc “Sông”, thi thoảng tôi không còn nhận ra là chị Tư đang kể, hay là dòng sông Di đang đẩy câu chuyện trôi đi.

“Sông” hoàn hảo từ nội dung đến ngôn từ.


Chữ của chị Tư trần trùi trụi. Phải nói thêm rằng, tôi ngưỡng mộ chị một phần cũng vì thứ ngôn từ này. Nó trần, nhưng không tục. Nó bình dị, đời thường nhưng không thô bỉ. Đọc “Sông”, nhiều khi tôi thấy mình bị cuốn đi. Tôi tự hỏi rằng, để có thể viết ra những thước văn về thiên nhiên, con người xa xôi mà có lúc rực rỡ, có lúc đen tối, có lúc lại mờ nhòa như thế này, bản thân chị Tư liệu đã từng đặt chân đến đó hay chưa mà văn của chị sắc nét đến như vậy? Nhìn xuyên qua những con chữ ngay ngắn trên trang sách mà tôi như nhìn thấy rõ mồn một từng cảnh vật, từng con người. Văn chị Tư nồng mùi vị Nam Bộ, đọc vào là thấy. Bởi vì nó thẳng đuột, có đôi khi thẳng đến đau lòng. Giọng văn dửng dưng, hờ hững ngay cả khi nói về những con người bị dìm chết trong dòng nước bất kể đêm ngày, về một người đàn bà tìm quên trong giấc ngủ ngàn năm, về một cô nhân tình tuyệt vọng rời bỏ Sài Gòn hoa lệ khi nhận ra rằng người-đàn-ông-không-thuộc-về-mình kia luôn luôn, luôn luôn phải rời cô mà đi, về phía người đàn bà mà ông ta thực sự thuộc về, hay là câu chuyện về cặp mẹ chồng nàng dâu oan gia trớ trêu không biết sống với nhau là vì thương nhau hay là hận nhau, hay là vì không còn ai để mà bám víu vào.


“Sông” cứ man mác như thế. Và tôi thích “Sông” thật lòng, dù rằng ác cảm của tôi dành cho nhân vật Ân là có thật. Gạt bỏ đi lăng kính định kiến giới tính, tôi chỉ nói về cậu ta trên phương diện một con người và tình yêu của cậu ta trên phương diện tình cảm nguyên thủy. Tôi không thích Ân vì sự vô tâm của cậu. Ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy cậu ích kỷ. Cậu để mẹ mình trông chờ vô vọng. Cậu gieo vào lòng một cô gái vô tội những tơ vương vô nghĩa. Cậu dễ dàng nghiêng ngả vì một gã trai mới gặp mười lăm ngày trong khi đầu và tim vẫn luôn rên rỉ vì nỗi đau nhìn nhân tình làm đám cưới. Và rồi sau đó, khi gã trai mới gặp đã làm cậu rung động kia rời đi, Ân lại lập tức dời cái nhìn lên gã trai còn lại, và tiếp tục rung động. Đó không biết là sự đa tình hay là sự vô tình. Điều này làm tôi ngỡ rằng tình yêu của Ân nhiều nhục cảm hơn là xúc cảm khi mà cậu dễ dàng nghiêng ngả trước một người lạ chỉ vì những cái đụng chạm cơ thể vô tình. May mắn rằng ngay từ đầu tôi đã mặc định nhân vật chính là sông Di và Ân chỉ là người dẫn dắt tôi đi theo nghe chuyện sông Di nên những thứ này không làm tôi bỏ ngang “Sông” như tôi vẫn thường bỏ ngang vô số truyện khi bị nhân vật chính làm phật lòng.


Thành thực mà nói, tôi không bỏ nổi “Sông.” “Sông” có cái gì đó kì quái lắm. Nó không thôi thúc tôi đọc ngấu nghiến, đọc xoèn xoẹt như những quyển trinh thám thót tim, nhưng nó cũng không để tôi buông nó xuống quá lâu. Đọc “Sông” là phải đọc chầm chậm, từ từ. Tốt nhất là mỗi ngày đọc một chút, để bản thân có thời gian ngẫm nghĩ, cũng như để “Sông” có thời gian thẩm thấu vào mình.


Câu chuyện của sông Di kết thúc một cách lửng lơ, lửng lơ đến mức có thể làm người đọc nghệch mặt ra, kiểu như: Cái gì? Thế là thế nào?


Cái kết này khiến tôi hụt hẫng như đã bỏ sót điều gì, và rồi phải quay ngược lại trang đầu, chậm chạp đọc để chắc chắn không có chi tiết nào bị sót. Cuối cùng, Ân là ai? Một nhà báo trẻ giàu trí tưởng tượng hay một cậu trai hoang tưởng lạc đường? Những con người, những mảnh đời từng xuất hiện là thực, là mộng, hay là một chấm nhòa của ảo tưởng? Về phần tôi, tôi quyết định sẽ tin vào Ân, tin vào câu chuyện của cậu ta, tin vào những nhân vật mà tôi đã thầm yêu quý suốt dọc dài trang sách.