Tâm Thức Luyến Ái
Bất cứ ai mong đợi một khuyến thị dễ dãi trong nghệ thuật về tình yêu khi đọc tập sách này sẽ cảm nghiệm một thất vọng. Bởi vì, tập sách muốn chứng tỏ rằng tình yêu không phải là một cảm thức mà ai cũng có thể mơ tưởng dễ dàng, không đếm xỉa đến trình độ trưởng thành mà người ấy đạt được. Nó muốn gây xác tín cho độc giả rằng mọi cố gắng của mình cho tình yêu đều phải tan vỡ, trừ phi mình cố gắng rất hăng nồng cho phát triển nhân cách toàn diện của mình để rồi hoàn thành một chiều hướng phong phú ; rằng mình không thể đạt được sự thỏa mãn trong tình yêu cá biệt nếu không có khả năng yêu thương người láng giềng của mình, nếu không có những đức khiêm tốn, dũng cảm, tín thành và kỷ luật thật sự. Trong một nền văn hóa mà những tức tính này hiếm có, sự thành đạt khả năng yêu thương chắc chắn còn là một công trình họa hiếm. Hoặc giả, ai cũng có thể tự hỏi mình rằng đã có bao nhiêu người thực sự yêu thương. Nhưng, sự khó khăn của công việc ấy hẳn không phải là một lý do ngăn cản cố gắng nhận thức những khó khăn cũng như những điều kiện để kiện toàn nó. Để tránh những phức tạp không cần thiết, tôi đã cố gắng đề cập vấn đề trong một ngôn ngữ không chuyên môn, tùy trường hợp có thể. Với cùng lý do ấy, tôi cũng đã tham khảo một ít văn chương viết về tình yêu. Lại còn một vấn đề nữa, là tôi đã không tìm thấy một giải quyết hoàn toàn thoả đáng tức là vấn đề tránh lặp lại những ý tưởng đã được nêu lên trong tác phẩm về trước của tôi, nhất là độc giả quen thuộc với Escape From Freedom (Chạy trốn tự do), Man For Himself (Con người với chính mình), The Sane Society (Xã hội lành mạnh) sẽ tìm thấy trong tập sách này có nhiều ý tưởng đã được diễn tả trong những tác phẩm trước đó. Tuy nhiên The Art of Loving không hẳn chỉ là một tóm lược. Nó trình bầy nhiều ý tưởng bên ngoài những ý tưởng đã được diễn tả trước đây, và hẳn nhiên ngay cả những ý tưởng cũ hơn đôi khi lại mang những viễn tượng mới vì rằng chúng thảy đều qui tụ quanh một chủ điểm duy nhất : nghệ thuật về tình yêu. Erich Fromm