Suy Tưởng
Nhắc đến Marcus Aurelius là người ta nhắc đến vị hoàng đế La Mã cổ đại theo trường phái Khắc kỷ (Stoicism) được nhân dân yêu mến, ngưỡng mộ bởi lòng nhân đức, sự tận tâm, giản dị trong đời sống cũng như trong cách cai trị đất nước. Ông được người đời tôn kính gọi bằng cái tên Ông vua triết gia hay Vị Phật của La Mã. Tất nhiên, bản thân ông không tự nhận mình là một triết gia. Ngay cả ngôi vị Hoàng đế cũng đến với ông một cách bất ngờ. Tác phẩm Suy tưởng (Meditations) của Marcus Aurelius là tập hợp những chiêm nghiệm của ông về tự nhiên, hành vi của con người và những quy luật của cuộc sống. Ông đúc rút những ý tưởng hay suy nghĩ của mình không phải với mục đích để xuất bản và cuốn Suy tưởng vốn dĩ cũng không phải là một trước tác triết học. Những nội dung trong đây không theo một hệ thống suy luận hay triển khai văn bản nào nhất định mà là những dòng “tự răn” chính mình được Marcus Aurelius tập hợp lại một cách ngẫu hứng – tương tự như nhật ký hay journal. Sau này người đời lưu giữ và đặt tên (gần đây nhất) là Meditations. Chữ “Meditations” này theo cách hiểu dưới thời đại La Mã cổ đại thì đúng là Suy tưởng, chiêm nghiệm. Còn theo lối tiếp cận hiện đại ngày nay thì nó có nghĩa là Thiền định. Nhưng khi đào sâu quan sát tác phẩm, ta có thể nhận ra không ít những chi tiết Marcus Aurelius mô tả sự thiền, quán chiếu thân thể hay suy nghĩ, và hình dung về cái chết. Dưới dạng một cuốn nhật ký, Suy tưởng có những nội dung để ta hình dung được bối cảnh lịch sử hay nhận ra được những nhân vật ảnh hưởng đến nhân cách, lối tư duy của Marcus Aurelius. Dù theo trường phái khắc kỷ nhưng không phải tất cả những nội dung trong Suy tưởng đều bị tác động bởi nó. Xu hướng đào sâu vào nội tâm và nghiên cứu chính bản thân mình của Marcus Aurelius là một trong những phản ánh rõ rệt nhất bức tranh thời kỳ tri thức thịnh trị – nền văn hóa Hy Lạp cổ. Tức là khi sinh ra dưới thời này thì anh ít nhiều cũng mang hơi hướng đào sâu vào nội tâm hay vươn mình tìm kiếm ánh sáng trí tuệ. Dù cuốn sách là tập hợp những suy nghĩ, chiêm nghiệm ngẫu hứng nhưng không có nghĩa là ta không thể tổng kết được những gì mà vị vua triết gia đầu tư quan tâm. Đó là việc trải nghiệm tính thần thánh, những quy luật tự nhiên và việc làm điều đúng đắn nhất của một con người. Suy tưởng như một sự dẫn dắt, sự tự răn mình của Marcus Aurelius. Ông luôn hướng bản thân tới những giá trị tinh thần cao quý nhất mà một người có thể đạt được. Bên cạnh đó, ông tin rằng mọi sự đã được tự nhiên sắp đặt hoàn hảo và có lợi cho tất cả, những bất hạnh của con người chỉ xảy ra khi họ (mờ mắt) tách mình ra khỏi tự nhiên hay chống lại sự trôi chảy đó.