Cơ Bản Là Buồn
"Cơ bản là buồn" thề hiện cái nhìn lạ lẫm và nhân văn về vấn đề hậu chiến tranh. Nhân vật xuyên suốt tác phẩm là X, một cô gái Việt lai Mỹ không biết mặt cha, đứa con rơi ở lại sau những năm lính Mỹ có mặt tại Việt Nam. Mang nặng trong lòng nỗi thắc mắc về đấng sinh thành, cô lại tình cờ trở thành người hướng dẫn cho John – một cựu chiến binh Mỹ – khi ông quay lại Việt Nam để tìm lại chiến trường năm xưa, cố có được lời giải đáp về những gì ông đã để lỡ thời tuổi trẻ ở đất nước xa xôi này. Một người băn khoăn về người cha không rõ mặt, người kia lần theo manh mối của người tình một thuở, câu chuyện của riêng họ đưa đến những sự gặp gỡ và những cuộc trò chuyện đầy băn khoăn. Trong trang sách của Nguyễn Ngọc Thuần, chúng ta gặp lại những vấn đề hậu chiến cho đến giờ vẫn còn đầy nhức nhối trên các phương tiện truyền thông: Những gia đình li tán, những nạn nhân của chất độc hóa học, những cuộc tình không trọn vẹn, những con người không lành lặn cả về thể xác và tâm hồn. Điều đặc biệt của Nguyễn Ngọc Thuần là anh không nhìn câu chuyện hậu chiến này theo góc nhìn của người Việt Nam. "Cơ bản là buồn" cho thấy nạn nhân của chiến tranh không phải là cụ thể riêng ai. Đó có thể là người cựu chiến binh, kẻ trong cuộc, với chứng bệnh ngáp và nỗi ám ảnh về quá khứ. Đó có thể là X, cô gái được sinh ra từ cuộc chiến với tuổi thơ không trọn vẹn và sự thiếu hụt lớn lao. Đó cũng có thể là vợ John, người cùng thời nhưng không trực tiếp tiếp xúc với chiến tranh. Đó cũng có thể là bé Hữu Nghị, người được sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc từ lâu, nhưng hệ lụy thì vẫn còn y nguyên… Từng số phận con người trong cuốn sách tạo nên bức tranh về nỗi buồn bất tận trong sự tồn tại của loài người, không phân biệt phe phái hay chiến tuyến...