Đội Thiếu Niên Du Kích Đình Bảng
"Đội du kích thiếu niên Đình Bảng" là truyện dài của nhà văn Xuân Sách, xuất bản lần đầu năm 1964. Cuốn sách “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” là câu chuyện kể về vùng ngoại vi Hà Nội xưa (Đình Bảng) trong những năm giặc Pháp chiếm đóng. Với lối viết chân thực và giàu cảm xúc, tác giả đã đưa người đọc về với không khí chống giặc giải phóng quê hương đất nước của dân tộc nói chung và của quê hương Đình Bảng nói riêng. Trong đó có những gương mặt quả cảm của các đội viên như: Hoan, Phát, Tâm, Dìn hiện lên thật gần gũi và cao đẹp. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, các đội viên đã giúp du kích cất giấu vũ khí ngay trong tròng địch cùng các anh cho nổ mìn phá tung Câu lạc bộ. Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng ngày đó được giao nhiệm vụ thâm nhập vào những nơi địch chiếm đóng để lấy thông tin, nắm tình hình địch rồi thông báo cho lực lượng của ta. Trong đội du kích thiếu niên ấy, nổi bật nhất là đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn, ở Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh) sinh năm 1935, ở vùng quê bị địch chiếm đóng, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm được giác ngộ, mới 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Thạc Hoàn đã tham gia vào đội liên lạc của du kích xã. Đến năm 14 tuổi đã trở thành đội viên Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng. Những ngày đầu, Hoàn vào đồn lân la làm quen và giặt hộ quần áo cho một sỹ quan Pháp tên Sác-lơ. Khi đã quen, Hoàn làm đủ mọi việc như: Dọn dẹp, nấu ăn, bê nước trong các hội nghị cho chúng. Vì vậy, Hoàn đã lấy được rất nhiều thông tin quý giá cho cách mạng. Mưu trí, dũng cảm, Hoàn đã lập được những chiến công hiển hách...