Hoàng Tử Bé
“Hoàng tử bé” – tựa gốc “Le Petit Prince” – là một truyện ngắn của viên phi công có biệt danh thân mật trong phi hành đoàn là “thiếu tá Saint-Ex”, cuốn sách ra mắt năm 1943, chuyến du hành của hoàng tử bé được thuật lại bởi chàng phi công, đọng lại giọt nước mắt và cả những tiếng cười vui tươi của một trí tuệ hồn nhiên như nhất, từ đó làm say mê hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Trẻ em thích “Hoàng tử bé”, vì cuốn sách ngắn, câu chữ đơn giản, lại có nhiều hình vẽ minh họa đẹp mê tơi. Người lớn thích “Hoàng tử bé”, vì cuốn sách khiến họ nhận ra nhiều bài học vốn đơn giản nhưng hay bị lãng quên. Mà trong số “người lớn” ấy, lại có nhiều cách nghĩ khác nhau, bởi những góc nhìn khác nhau. Có người rút ra được bài học về nghệ thuật sống, có người ngẫm ra các triết lý kinh doanh, có người suy nghĩ về sự vô thường của vạn vật, lại có người lý giải về bản chất con người và những sự sa ngã trong tâm tính… Một ý kiến khác, “Hoàng tử bé” là chuyến du hành tha hương của cậu hoàng tử nhỏ, lại được viết trong thời gian tác giả sống lưu vong tại Bắc Mỹ, sau khi chính phủ Pháp đầu hàng Đức Quốc xã, đó là lý do tờ The New Yorker cho rằng “Hoàng tử bé” là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen: “Mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kỳ lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng. Nỗi xấu hổ và khó hiểu của Saint-Exupery về sự thất bại đó đã khiến ông sáng tác nên một câu chuyện cổ tích với những ý niệm trừu tượng trong tương quan đối lập với những tình yêu cụ thể.” (Read Station dịch) Quả là một cuốn sách diệu kỳ, bởi nó mang đến những kết luận khác nhau cho từng đối tượng khác nhau dưới những góc nhìn khác nhau, mà các đối tượng đó lại trải dài ở mọi lứa tuổi, trong suốt gần một thế kỷ qua.