Khổng Tử Tâm Đắc
Người đời Tống từng có câu rằng: “Trời không sinh Trọng Ni, thiên hạ sẽ mãi chìm đắm trong đêm dài vạn cổ” (Ngư Ẩn tùng thoại tiền tập). Mạnh Tử, người được tôn là bậc á thánh của Nho gia, từng ca ngợi Khổng Tử là “bậc thánh trong việc nắm bắt chữ thời”. Theo ông, thánh nhân là người luôn không ngừng tu dưỡng về mặt đạo đức, chăm việc thiện, có tầm ảnh hưởng rộng lớn và không ngừng biến hóa theo thời (Mạnh Tử, Tận tâm hạ). Chúng ta đều biết, tôn chỉ của Nho gia là “nội thánh ngoại vương”, nghĩa là người quân tử trước tiên cần tu dưỡng để trở thành thánh nhân, sau đó dùng “vương đạo”, tức lòng nhân để trị nước. Mục tiêu cao nhất của Nho gia từ cả hai quá trình này thực ra không ngoài việc mong mỏi tất cả mọi người trong xã hội đều có thể đạt đến cảnh giới của “chí thiện”. Sống trong cục diện nhiễu nhương của xã hội cuối thời Xuân Thu, trước thực tế con người chỉ biết nháo nhào chạy theo “lợi kỷ” và những dục vọng vật chất thấp hèn, Khổng Tử đã nêu ra mỹ học về chữ “thiện”, về lòng nhân, theo ông chỉ có chữ “nhân” mới có thể cứu vãn xã hội Xuân Thu, cứu vãn nhân loại. Bản thân Khổng Tử cũng từng nói rằng: “Nhân ái có cách xa chúng ta lắm không? Chỉ cần chúng ta muốn đạt đến điều nhân ái, nhân ái sẽ đến bên cạnh chúng ta”. Đạo nhân ái, nói cho cùng chính là lòng yêu người, là yêu cầu mỗi người phải hòa chung nhịp đập của trái tim mình vào nhịp đập chung của trái tim nhân loại, thế nhưng cũng chính điểm này đã đem đến cho khái niệm một tầm bao quát cực kỳ rộng lớn. Nhìn lại lịch sử, tính từ khi học thuyết của Khổng Tử ra đời cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc, thậm chí cả các học giả nước ngoài chưa bao giờ ngừng việc tìm hiểu về chữ nhân.