Suối Nguồn - The Fountainhead
Bản chất của con người - và của bất cứ sinh vật nào - không phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tuỳ thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tồn tại. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự sống... Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống. Suối nguồn (The Fountainhead) của nhà văn Mỹ Ayn Rand, câu chuyện không là dòng chảy êm đềm như tên gọi, mà là một hành trình dài của tâm tưởng, của những cuộc đấu tranh giữa dòng đời khắc nghiệt để kiếm tìm và chứng minh một chân lý sống. Nhân vật chính là Howard Roark - một kiến trúc sư vào đời không có tấm bằng đại học. Anh đã bị đuổi ra khỏi trường kiến trúc chỉ vì không đồng ý thay thế chân lý bằng ý kiến của số đông người. Trong khi cuộc sống đầy rẫy những toan tính, đua chen và con người luôn phải biết cúi đầu để có thể tồn tại thì Roark lại đi ngược với dòng chảy đó...