Nỗi Buồn Chiến Tranh

  • Nỗi Buồn Chiến Tranh


Nỗi buồn chiến tranh thuộc loại tiểu thuyết chỉ có một nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Các nhân vật khác đều là phụ, xuất hiện thấp thoáng trong các tình tiết. Kiên là nhân vật chính mang ba vai. Là người chiến sĩ sống sót sau chiến tranh của một đơn vị, không thể tự giải thoát khỏi các hồi tưởng về cuộc chiến tranh vừa qua và về các đồng đội đã mất như một chứng bệnh trầm cảm. Là người đánh mất mối tình đẹp đẽ của mình. Là người viết tiểu thuyết với ý thức sứ mệnh. Với ba vai đó, tiểu thuyết thể hiện ba nội dung cơ bản: cuộc chiến tranh khốc liệt với vô vàn chết chóc; chiến tranh và sự hủy diệt hạnh phúc đời thường; ý thức về chuyện viết văn về đề tài chiến tranh, muốn vượt qua truyền thống cũ.

Toàn bộ tiểu thuyết được kể bằng ngôi thứ ba với điểm nhìn duy nhất của Kiên, và nhiều khi Kiên gạt bỏ luôn ngôi thứ ba để đứng ra kể chuyện xưng “tôi” theo ngôi thứ nhất, nhất là khi nói về cách viết tiểu thuyết. Chỉ có chương cuối cùng là lời của một người đọc đặc biệt xưng “tôi” biên tập lại bản thảo dang dở và đánh giá đúng bản thảo. Cái “tôi” này cũng chẳng phải ai xa lạ, rất có thể là cái “tôi” đã xuất hiện trong văn bản. Người đọc xưng “tôi” này đã vượt qua các định kiến của những người hàng xóm, coi Kiên là “nhà văn phường”, một kẻ dị biệt, thị dân, tiểu tư sản, cực đoan, bạc nhược, để hiểu được “có chung một Nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ”. Toàn bộ tiểu thuyết được thể hiện bằng những hồi tưởng đứt đoạn của Kiên. Bảo Ninh thích dùng lối tạt lùi (flashback) để nhớ lại một chi tiết ngắn của quá khứ, làm cho cả tiểu thuyết được dệt bằng các đoạn hồi tưởng ngắn và suy ngẫm. Sẽ là ngây thơ nếu ai đó tin vào lời của nhà văn Kiên trong truyện, để tin rằng tiểu thuyết viết lộn xộn, tuỳ tiện vô thức. Chính những tạt lùi ngắn ngủi đã băm vụn cuộc chiến, để không tái hiện hoàn chỉnh nó nữa, vì ai cũng đã biết hết, mà chỉ tái hiện các mảnh vụn, những mảnh ghép làm nên “cuộc chiến của riêng Kiên” và nỗi buồn của anh mà mọi người chưa biết. Điểm nhìn của nhân vật Kiên và của người kể chuyện Kiên không trùng khít, bởi điểm nhìn sau hàm chứa một thái độ phản tư, phân tích những gì đã nhìn thấy và hồi tưởng, một điểm nhìn hậu chiến, điểm nhìn của người đã ra khỏi cuộc chiến và suy tư về nó, vượt lên nó. Nhìn bề ngoài, tất cả các chương của cuốn tiểu thuyết đều song hành trên một mặt bằng thời gian, bất cứ lúc nào Kiên đều có thể trở đi trở lại với những thời điểm quen thuộc với anh trong cuộc chiến, như thể thời gian không trôi qua. Nhưng đọc kĩ, sẽ thấy, cốt truyện chủ yếu là câu chuyện viết tiểu thuyết của Kiên. Từ chuyện đi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, Kiên nảy ra ý muốn kể lại lời trăng trối của những người đã mất, rồi tiếp theo là chuyện viết, cách viết, viết thâu đêm, viết rồi bỏ, chuyện vô vàn cái chết, chuyện gia đình của Kiên, chuyện tình tan vỡ của Kiên, chuyện Kiên bất lực với câu chuyện và biến mất, và kết thúc bằng một ai đó biên tập tiểu thuyết và tiểu thuyết đã hoàn thành. Một siêu tiểu thuyết (metafiction), trong tiểu thuyết hàm chứa một tiểu thuyết, tiểu thuyết về ý thức đổi mới cách viết một đề tài. Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh mang một chủ đề kép. Nó không chỉ nêu một cách nhìn khác về chiến tranh, mà còn đề xuất một cách viết khác về đề tài chiến tranh, đề xuất một đổi thay về phương pháp sáng tác nữa.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh còn là một tiểu thuyết xuất sắc về ngôn ngữ văn học. Toàn bộ tác phẩm không phải lời kể chuyện thông thường, mà là lời độc thoại của nhân vật do người kể chuyện mượn để làm điểm tựa, lời của nhân vật Kiên. Vì thế đọc tiểu thuyết như là đọc lời bộc bạch, trữ tình, tâm sự của một tâm hồn. “Giấc mơ lay thức tâm hồn Kiên. Thì ra, anh, Kiên cũng có một thời trai trẻ trung, cái thời mà giờ đây khó lòng mường tượng lại được nữa, cái thời mà toàn bộ con người anh, nhân tính và nhân dạng, còn chưa bị bạo lực của chiến tranh hủy hoại, cái thời anh cũng ngập lòng ham muốn, cũng biết say sưa, si mê, cũng trải những cơn bồng bột, và cũng ngốc nghếch ngẩn ngơ, cũng từng tan nát cả cõi lòng vì tình yêu thương đau khổ, vì ghen tuông tủi hờn và cũng đáng được ưu ái như các bạn anh bây giờ. Chao ôi, chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!” Câu văn dài với nhiều thành phần phụ, với các từ trùng điệp, lặp lại, ngân nga như thơ, như ru người đọc vào hồi tưởng mà chìm ẩn trong nhịp điệu ấy là nỗi niềm tiếc nuối vô hạn và nỗi buồn sâu thẳm. Nhà văn Diêm Liên Khoa, người đánh giá cao và giới thiệu tiểu thuyết này với độc giả Trung Quốc tỏ ý tiếc là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh giàu chất trữ tình quá. Theo ông có lẽ phải viết với lời văn giễu nhại. Ý kiến đó theo tôi không hợp. Người ta có thể giễu nhại một cuộc đại nhảy vọt, cuộc cách mạng văn hóa kệch cỡm như chính Diêm Liên Khoa đã làm trong các tiểu thuyết của ông, nhưng khó mà giễu nhại một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nhưng khúc trữ tình với khúc ai ca tuy gần mà cũng có khác nhau. Nỗi buồn chiến tranh vẫn chỉ là nỗi buồn, nỗi đau, mà chưa phải là thể loại khúc ca, bài ca. Dịch là Chiến tranh ai ca có thể làm giảm nhẹ sức suy nghĩ hàm chứa trong tiểu thuyết. Tất nhiên bản dịch của dịch giả Hạ Lộ là một đóng góp lớn đối với văn học Việt Nam, rất đáng quý.

------

Bảo Ninh là nhà văn cựu chiến binh, quê Quảng Bình, sinh năm 1952 tại Nghệ An, trong một gia đình nhiều đời nho gia, bố là nhà ngữ học nổi tiếng Hoàng Tuệ, từng làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nghiên cứu về chuẩn tiếng Việt và nhiều vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của Nhà nước. Sau năm 1975, Hoàng Ấu Phương được giải ngũ, học Trường viết văn Nguyễn Du khóa III, bắt đầu viết văn từ năm 1987. Thời đi bộ đội, Phương từng đọc tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Erich Maria Remarque (1898 - 1970) viết về Thế chiến thứ nhất. Hòa bình, thân phụ nhà văn sau chuyến đi Pháp có mang về tập tiểu thuyết Cuộc đời và số phận của Grossman (1905 - 1964), viết về cuộc sống người dân Xô-viết trong chiến tranh chống phát xít. Cả hai cuốn sách có tính phản tư về lịch sử đều có ảnh hưởng đến tư tưởng và nghệ thuật của Bảo Ninh. Khi viết Nỗi buồn chiến tranh theo kiểu phản tư, không phải Bảo Ninh không biết trước những hiểm nguy đang chờ đợi ông. Nghệ thuật của ông có tính chất dấn thân và suốt thời gian hơn 30 năm, trước bao dư luận, ông vẫn giữ thái độ im lặng bình thản. Từ đây ta thấy ý thức nghệ thuật và tinh thần dũng cảm của nhà văn Bảo Ninh.


    Viết đánh giá

        Bad           Good

    Sách cùng tác giả

    Sách cùng thể loại