Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ
Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là hành trình đơn độc của tác giả - một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang bờ Tây. Hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp. Đó là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ là một phần của thế giới ấy. Đó cũng là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thế giới - của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó. Nhưng hành trình xuyên qua nước Mỹ này không chỉ là để khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân cô gái: tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình, cái tình yêu mà cô đã có lúc đánh mất. Xuất phát điểm của “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một tình yêu tan vỡ, một nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề cái chỗ đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát, một kết cục khiến ta không khỏi nghĩ tới Anna Karenina. Đinh Hằng, tác giả, xuất hiện trong cuốn sách như một phụ nữ mạnh mẽ, đầy cá tính và sức mạnh bên trong, tự tin ngẩng cao đầu bước giữa thế giới, hoàn toàn không có một mặc cảm nào bất kể căn nguyên của nó là gì. Chuyến đi của Đinh Hằng, rốt cuộc, là một cuộc hành trình đi tìm lại và nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình, của sự sống. Nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó, ở đây đóng vai trò như một chốn “luyện ngục” để cô vượt qua chính mình và trở nên một người khác. Một cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua. Cách Đinh Hằng đi và hòa mình vào văn hóa Mỹ không phải là cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến với xứ cờ hoa, choáng ngợp với nước Mỹ to lớn hiện đại và thấy mình sao mà nhỏ bé đơn độc. Ngược lại, đó là cái nhìn của một người lữ hành đã dày dạn kinh nghiệm, nhìn một xứ sở mới, những con người mới với cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến. Đinh Hằng xem nước Mỹ và người Mỹ với tâm thế tôn trọng và bình đẳng, như một kẻ biết người rất giỏi nhưng cũng hiểu rõ những giá trị của bản thân. Cũng chính vì vậy mà nước Mỹ và người Mỹ hiện ra trong sách rất thực và rất đời, không tô hồng, không phóng đại. Một nước Mỹ không chỉ với các tòa nhà chọc trời, với sự phát triển vượt bậc và các công nghệ hiện đại. Mà là một nước Mỹ chân thực và trần trụi với những vấn đề của nó, nền văn hóa Mỹ, cách sống của người Mỹ, quan niệm của họ về bản thân, về tình yêu, và kể cả những vấn đề khá nhạy cảm với người Việt như tình một đêm, đồng tính, cỏ và ma túy... Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ không đơn thuần là một cuốn sách du ký. Bởi trên hành trình đơn độc xuyên qua nước Mỹ, những xung đột tâm lý của cô gái bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân cũng hiện lên sâu sắc. Đó là câu chuyện của sự đan xen mãnh liệt những cô đơn, đau đớn, niềm tin, khát vọng, đam mê, tuổi trẻ. Cô gái nhân vật chính dám nghỉ việc, trả nhà, bay nửa vòng Trái Đất và quăng mình vào một hành trình không đích đến để đối mặt với người mình đã từng yêu một lần nữa. Hành trình địa lý cũng chính là hành trình tâm lý ấy đánh thức trong mỗi người trẻ tuổi bản năng yêu, đi và sống hết mình.