Lũ Mục Đồng
Bước vào thế giới của “Lũ mục đồng” - tác phẩm của nhà văn Le Clézio, Nobel năm 2008 là bước vào thế giới của những giấc mơ. Tám câu chuyện trong tập truyện ngắn xét đến cùng là những biến ảo, những sắc màu của cùng một cơn mơ. Nhân vật trong tám truyện ngắn đều là những đứa trẻ, không phải chỉ bởi ngẫu nhiên đó là những đối tượng vốn được nhà văn quan tâm đặc biệt. Bước vào thế giới của câu chuyện, mới thấy hóa ra những đứa trẻ mang những cái tên khác nhau: Mondo, Lullaby, Jon, Juba, Daniel, Alia hay Petite Croix… chỉ là những biến thể khác nhau của một hoàng tử bé giữa tinh cầu trái đất này. Nhà văn, vì thế, thông qua chúng để truyền tải, để nhắc người ta nhớ về những giấc mơ, thủy chung vẫn luôn nằm sâu trong kí ức con người, nhưng bấy lâu bị cố tình lãng quên, vùi lấp. Những nhân vật trẻ con của Le Clézio ít nói, lặng thầm mơ màng và sợ gây ra quá nhiều tiếng ồn. Chúng không dùng lời nói như một phương tiện thông thường và dễ dãi để biểu đạt mình. Sự im lặng của chúng hàm chứa liên kết với vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Hoàn toàn trái với thế giới người lớn đầy lí lẽ, quy tắc, nhưng lại thiếu đi một tâm hồn có thể thẩm thấu vẻ đẹp, những đứa trẻ chỉ làm một điều đơn giản: ấy là mở căng thân thể mình để cảm nhận, thẩm thấu và giao hòa cùng sự sống. Tám câu chuyện của Lũ mục đồng giống như những câu chuyện cổ tích, đôi khi lan man chảy trôi trong dòng xúc cảm sống tuôn trào mãnh liệt của tâm hồn thơ trẻ, dường như không hướng đến một sự kết thúc khô cứng nào. Con chữ ngưng lại, trang giấy đóng vào, nhưng đâu đó trong những giấc mơ, dòng xúc cảm ấy vẫn âm thầm chảy, bầu khí quyển trong thế giới của những đứa trẻ vẫn âm thầm ôm ấp, xoa dịu, làm ấm lòng. Riêng có chất thơ lãng mạn bay bổng là hồ như xuyên suốt những trang viết của ông. Có thể bởi, với Le Clézio chất thơ đã trở thành một tâm thế để sống, để cảm và là phương thức gần gũi, giản dị nhất để chia sẻ những giấc mơ. Cũng như biển, chất thơ trong cốt tủy đời sống tự nguyên thủy chưa từng thay đổi.