Chùm Nho Phẫn Nộ
Giữa thời kỳ vàng son của xã hội công nghiệp, nhà Joad cũng như bao gia đình khác bỗng nhiên bị đuổi khỏi nơi chôn rau cắt rốn vì những lợi ích của bè lũ tài phiệt. Rời khỏi Oklahoma bụi bặm mịt mù, họ đem tất cả những gì có thể chất lên xe cam nhông để hướng về miền đất hứa – xứ California đầy xanh tươi và thơ mộng. Trên con đường thiên lý tìm kiếm giấc mơ đổi đời, nhà Joad liên tiếp vấp phải những éo le, khổ nạn, nhục mạ và cả việc mất thân nhân. Mọi sự dồn nén, uất hận, bi phẫn rồi cũng khiến giọt nước tràn ly… nhưng sau tất cả cũng chỉ còn lại những tiếng thở vãn than dài, lực bất tòng tâm! Hành trình vô định của những kẻ khốn cùng đã vén mây lộ ánh dương, làm sáng lên một bức tranh nước Mỹ hào quang tột bậc nhưng cũng u ám tột cùng. Chùm nho phẫn nộ ngay khi phát hành đã soán ngôi Cuốn theo chiều gió để trở thành tiểu thuyết bán chạy nhất trong suốt một thời gian. Tác phẩm cũng đem về cho John Steinbeck giải Pulitzer năm 1940 và Nobel Văn chương 1962. Chưa đầy một năm sau ngày xuất bản, bộ phim chuyển thể từ Chùm nho phẫn nộ ra tạp và cũng trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển. Thông tin tác giả: John Ernst Steinbeck Jr. (1902 –1968) là tác giả tiểu thuyết gạo cội xứ cờ hoa với hàng loạt tác phẩm kinh điển như Chùm nho phẫn nộ (1939), Phía đông vườn địa đàng (1952). Ngay từ trẻ John Steinbeck đã dấn thân vào đời sống lao động thợ thuyền. Nhờ đó ông rèn dũa cho bản thân một ngòi bút sắc lạnh hòng vạch trần cái bi kịch của nhân dân Mỹ ngay giữa thời đại công nghiệp vàng son, song cũng đủ vị tha để nâng niu và tô điểm những đức tính cao đẹp của quần chúng bần hàn. John Steinbeck nhận giải Nobel văn chương năm 1962 vì “những trang văn vừa hiện thực vừa giàu tưởng tượng, được hiển lộ bằng một sự hóm hỉnh đầy cảm thông và cái nhìn xã hội thấu đáo.” – mà trong đó Chùm nho phẫn nộ là thành tựu nổi bật nhất.