Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên - Quyển Thứ I: Trấn-Biên Cổ-Kính
Bộ Sử được phân làm 4 quyển, thật ra không phải chia 4 thời kỳ, nhưng chĩ để đề-cập đến 4 địa-danh: Trấn-Biên, Biên-Hùng, Đồng-Nai và Biên-Hòa, mà mỗi danh-xưng đều có một xuất-xứ, hoặc cổ-kính hay oai-dũng, hoặc thơ-mộng hay tân-tiến, do nhiều yếu-tố dữ-kiện cấu-thành. Các dữ-kiện ấy đều có nguyên-ủy và diễn-tiến, khó mà sắp xếp vị-thế thời-điểm cho đúng-hợp, khỏi bị song-hành, nên tôi chiếu lệ, phân-chia Xưa và Nay, cũng chỉ theo tính-cách lịch-sử mà thôi. Do đó, có thể quý độc-giả sẽ gặp trong quyển thứ I (Trấn-Biên Cổ-Kính) một vài sự-việc đến nay nhận ra cũng còn đang diễn-biến. Và nơi quyển thứ IV (Biên-Hòa tân-tiến) nói việc hiện-tại mà vẫn phải nhắc nguồn gốc từ xa xưa. Về Di-tích xưa, Sơn-mạch, Lâm-tuyền, Hà-giang, đã có mục riêng, nhưng chỉ kê những điểm nét chánh-yếu, còn phần chi-tiết được đề-cập đến trong nhiều bài khác. Quyển thứ II (Biên hùng oai-dũng) được nêu lên: với Địa-khí sơn-linh, Rừng-cao bóng cả, Giang-thanh thủy tú. Với nhiều nhơn-kiệt, các bậc tiền-hiền khai-khẩn, các đại công-thần triều Nguyễn, các anh thơ liệt-nữ, anh-hùng kháng Pháp, những nhơn-vật có hành-động đầy sĩ-khí nho-phong, vài nhơn-tài xuất-chúng thời cận-đại. Hoặc với những truyện-tích lạ kết thành từ hồn thiêng sông núi. Nơi quyển thứ III (Đồng-Nai thơ-mộng) có nói về tài-nguyên thổ-sản, cây trái, món ăn nổi tiếng từng vùng, là những đề-tài khô-khan nếu viết theo giới chuyên-môn kỹ-nghệ, trồng tỉa, gia-chánh, nhưng tôi đã nhìn sự-vật bằng nhãn-quan, tâm-hồn và hứng-cảm của nhà thơ, để thi-vị hóa từ phiến-đá, hột-cát, đến miếng gạch, cục than từ mục măng đến cọng bún… Mỗi bài là một màn trình-diễn, hoặc trầm-lặng hay sôi-động, luôn luôn vẫn được phổ thơ và đệm nhạc, hoặc du dương hay hùng-tráng tùy bối-cảnh, để trợ hứng tinh-thần, hấp dẫn người xem không nhàm chán. Sau cùng, có phần Phụ-lục Tân-truyện, là để, với tư-cách là một nhân-chứng thời-đại tại địa-phương, ghi lại sắc-diện nếp-sống chung của người Biên-Hùng qua nhiều lãnh-vực, với ý muốn nhắc các giai-đoạn lịch-sử trong thời cận-đại. Về phần họa-đồ tôi phác-họa theo sử-liệu, nên lối trình-bày có thể khác hơn chuyên-viên trắc-địa. Hình ảnhđược chọn lựa lấy đối-tượng là di-tích lịch-sử hoặc có liên-hệ đến đặc-điểm của Tỉnh nhà. Về tác giả Lương Văn Lựu sinh ngày 22 tháng 12 năm 1916 tại Tân Thành, Bình Trước (nay là phường Bửu Long, Biên Hòa). Ông là con trai út trong một gia đình nho giáo, cha làm nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh. Từ nhỏ, ông Lương Văn Lựu rất ham học. Dầu khó khăn về kinh tế nhưng gia đình ông đã cố gắng cho ông học hành. Năm 1935, Lương Văn Lựu tốt nghiệp Trung học Pháp –Việt với vốn ngoại ngữ thuộc loại giỏi. Thế nhưng, sau đó, con đường học của ông bị đứt đoạn. Nhưng với khát khao học hỏi, Lương Văn Lựu đã tự học, nâng cao vốn kiến thức của bản thân. Trước năm 1945, Lương Văn Lựu cùng với những người bạn thân là Lý Văn Sâm, Bùi Nhựng…viết báo, dịch thơ đăng trên một số báo đương thời. Sau này, Lương Văn Lựu còn viết truyện, thơ ca và tham gia làng báo với tư cách là chủ bút của tờ Biên Hùng xuất bản tại Biên Hòa. Điều đặc biệt là ông có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa nơi mình sinh ra, lớn lên. Ông say mê tìm tòi trong cổ sử và đi diền dã, khảo sát để thu thập tư liệu về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Trên cơ sở đó, Lương Văn Lựu đã viết nên bộ sách “Biên Hòa sử lược tòan biên” gồm 5 tập: Trấn Biên cổ kính, Biên Hòa oai dũng, Đồng Nai thơ mộng, Biên Hòa tân tiến, Ba trăm năm người Việt gốc Hoa. Hai tập Trấn Biên cổ kính và Biên Hòa oai dũng được xuất bản năm 1972, 1973. Ba tập còn lại do nhiều nguyên nhân chưa được xuất bản. Người dân Biên Hòa biết đến ông nhiều nhất với các công trình khảo cứu về Biên Hòa. Đây là một trong những tư liệu quý giá giúp cho người nào muốn tìm hiểu về vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Lương Văn Lựu mất tháng 4 năm 1992 tại Biên Hòa, hưởng thọ 77 tuổi. ----- "Tôi không có cao vọng theo con đường của một Ngô Sĩ Liên, một Phan Huy Chú, một Trần Trọng Kim, một Phạm Văn Sơn, nhưng chỉ vì nặng tình bản sở, mà làm kẻ lữ hành nhỏ bé, đi từng bước một, trên đường sử học, nhặt từng mảnh sử liệu vụn vặt ở mỗi nơi, ghi chép từng mẩu chuyện truyền khẩu mỗi vùng, giẫm chân trên gần khắp miền đông, từ thành thị đến thôn quê, thăm hàng ngàn gia đình, mót cộng lúa vàng trên đồng, xem hột thạch sa dưới nước hoặc đào bới dưới đáy giếng sâu, đọc tấm bia mộ rêu phong, viếng đình chùa, miếu môn cổ kính, bẻ cành cổ thụ trong rừng thiêng, nhặt hòn đá cuội trên núi thẳm, đến xem một ít di tích xưa còn lưu lại tại viện bảo tàng, trong ba mươi năm trời công phu sưu tập, để hôm nay, hoàn thành được bộ sử lược này, mà tôi coi như kết tinh đời văn học của tôi." - Lương Văn Lựu (Trích lời tựa cuốn Trấn-Biên Cổ-Kính).