Thông Thái Và Số Phận
Đọc “Thông Thái và Số Phận” của Maurice Maeterlinck như đi vào một vườn mê cung. Nếu ta chỉ chú ý đi tìm lối ra hay con đường chính xác để giải thoát thì sẽ không thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Hãy cứ bước đi thong thả, cứ rẽ vào con đường mà bạn muốn, mỗi con đường đều không thẳng tắp mà có rất nhiều khúc quanh mở ra một con đường khác, và đương nhiên sẽ có lúc gặp phải ngõ cụt, vậy thì hãy quay trở lại chọn lối rẽ khác, hoặc bạn cũng có thể tự mình đào sâu, hay phá bỏ nó để đi xuyên qua, dù thế nào nó sẽ lại mở ra một con đường mới để ta khám phá. Và mê cung ấy có nhiều lối ra, có lối dẫn đến sự thông thái, có lối dẫn đến số phận, lý trí, tình yêu, hạnh phúc, khổ đau, niềm vui, nỗi buồn… đích đến nào cũng sẽ khai mở hoặc làm sáng tỏ con đường trong chính bản thân bạn. Cuốn sách này không phải thể loại đọc một hồi xong thốt lên tuyệt vời quá, hay quá, mà đọc xong muốn tranh luận hoặc thậm chí là cãi nhau với chính mình, đọc xong chỉ cần “khai mở” hoặc có thể “phá hủy” và “tái tạo” lên trong đầu độc giả một cái nhìn mới, một con đường mới trong tư duy và nhận thức, đó là một thành công rồi, còn nếu không thì cũng không sao cả, chỉ là sách thôi mà...