Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Năm 1960, gia đình chuyển về quê, định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), Hà Nội. Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và theo ông bị đưa về làng dạy học tại Tây Bắc đến năm 1980, vì bố ông có làm việc với Pháp, cho nên lý lịch ông vì vậy bị xếp vào loại "không sạch”.[1] Năm 1980, ông chuyển về làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó, làm việc tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ cho đến khi về hưu. Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Năm 1996, Tiểu Long Nữ được coi là "tiểu thuyết đầu tay" - cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được chính thức xuất bản bởi Nhà xuất bản Công an nhân dân. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động. Ngoài ra ông còn viết kịch, thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông) và tiểu luận phê bình đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước. Năm 2004, bài viết "Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn" đăng trên Tạp chí Ngày này của ông tạo ra những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương trong một thời gian dài trên Báo Văn nghệ và một số trang mạng tại Việt Nam.