Thượng Đế Thì Cười
Tập truyện Thượng Đế Thì Cười của Nhà văn Nguyễn Khải nằm trong bộ sách Mỗi Nhà Văn Một Tác Phẩm. Đây là một tập truyện ghi lại được gần như toàn vẹn, trung thực những bước đi nhọc nhằn mà dũng cảm của con người chúng ta, cũng là của đất nước, trong suốt những năm tháng dài bão táp. Nhận định: "...Tác phẩm quan trọng nhất của ông lại chính là khi ông lấy mình làm nhân vật ẩn dưới đại từ nhân xưng "hắn" để kể lại chi tiết vẫn với giọng điệu tự thú toàn bộ hành trình nhà văn của mình. Đó là cuốn tiểu thuyết đậm chất tự truyện có tên gọi mang tính tôn giáo và triết học hơn cả của Nguyễn Khải: Thượng đế thì cười. Hắn của Nguyễn Khải là một nhà văn, nhà văn quân đội, với tính cách "muốn điều hoà mọi trách nhiệm mà hắn đang gánh vác", nhưng "các trách nhiệm ấy không phải luôn luôn hoà hợp được với nhau, có khi được là một đảng viên tốt, một quân nhân tốt thì lại là một nhà văn tồi". Thái độ văn chương này hắn tự nhận là do "tính cách bẩm sinh", nhưng cũng lại phù hợp với "phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, yêu cầu câu chuyện bao giờ cũng được kết thúc có hậu". Và như thế, "đã có nhiều trường hợp tự hắn cũng phải nói ngược lại niềm tin của mình, tự kết tội mình, dẫu hắn chả có tội gì cả để cứu lấy cái nghề mà hắn không thể rời bỏ". Vậy hắn thuộc loại người nào? hắn tự hỏi và trả lời: "là một viên chức đang muốn biến hoá thành một nghệ sĩ tự do, nhưng lắc lư mãi cũng chỉ biến được từng bộ phận, cái đuôi viên chức thỉnh thoảng lại lấp ló lòi ra nếu như bạn bè luận bàn về chính trị tự do quá, luận bàn về đàn bà lỗ mãng quá, cười hét to quá, nói năng tục tĩu quá..." Hắn của Nguyễn Khải đã từng Mất toi một cuốn sách vì kiểu viết kết thúc có hậu, vì muốn nhân nhượng, hoà giải giữa thực tế và văn chương cho yên bề trên ổn bề dưới, nhưng cuối cùng ông hiểu ra là để cho nhân vật "chết trong văn chương thì sẽ được sống mãi trong lòng bạn đọc, còn lại sống một cách gắng gượng, vô lý vì mong muốn của tác giả thì phải chết trong văn chương".... - (Phạm Xuân Nguyên - Tầm Nhìn Xa Trong Cõi Nhân Gian)