Việt Nam Kho Tàng Dã Sử
Nước ta có lịch sử 4000 năm, nhưng mãi đến thế kỷ XIII mới bắt đầu chép sử. Ba ngàn năm trước đã có bao nhiêu sự kiện xảy ra, nhưng tiếc rằng ta không còn lưu giữ được một chi tiết nào (ngoài những truyền thuyết). Rồi trong thời trung đại, cận đại và ngay thời kỳ hiện đại bây giờ, cũng có bao nhiêu là chuyện mà sách vở không thể chính thức ghi chép, nhưng người dân đều biết cả. Chuyện không lấy gì làm chính xác hay chắc chắn, song cứ vẫn được lưu truyền từ người này sang người khác. Theo sự hiểu biết hạn chế của chúng tôi, thì hình như trong giới sử học ở nước ta, chưa có ý kiến nhiều lắm về vấn đề dã sử, song thuật ngữ dã sử thì lại khá thông dụng, gần như rất quen thuộc với mọi người. Theo đúng nghĩa đen của nó: dã là chốn quê mùa, chốn đồng ruộng. Dã sử có thể hiểu lại chuyện sử dân gian, do dân gian ghi chép lưu truyền chứ không phải do Nhà nước chủ trì, giao cho các sử quan phụ trách. Nhà nước phải chép quốc sử, tài liệu ấy được gọi là chính sử. Chính sử có những phần chính yếu gọi là cương, và những phần cụ thể, chi tiết hơn, gọi là mục. Quyển sử nước ta gọi là Thông giám cương mục là vì như thế. Chính sử chỉ chép những điều được chế độ chấp nhận tuỳ theo từng triều đại. Có nhiều sự kiện,ừng triều đại đánh giá khác nhau, có thể bỏ đi, không chép hoặc chép một cách sơ lược và phê phán gay gắt, thiên lệch. Có nhân vật được tôn vinh, phải chép đầy đủ, nội dung phong phú. Có nhân vật chỉ được ghi chép qua, để gọi là có mà thôi. Nhiều chuyện chép vào chính sử là rất khách quan (nếu sử quan là người công bằng chính trực, không sợ quyền uy), nhưng nhiều chuyện vẫn không phản ánh được hoàn toàn sự thực. Bên cạnh loại sử chính thức như cương mục, còn phải có những bộ sách khác ghi đầy đủ, chi tiết hơn – phần lớn ghi chuyện các vua quan, các ông hoàng bà chúa, hoặc những trận đánh lớn, những chiến dịch ghi được nhiều quân công. Người ta gọi những sách này là những thực lục. Lục cũng có ít nhiều giá trị như sử, nhưng không phải là sử chính thức. Và đó cũng là những tài liệu quan phương, không phải do dân ghi chép. Nhưng trong cuộc sống có biết bao nhiêu việc đã xảy ra, bao nhiêu nhân vật đã hành động, bao nhiêu biến cố dâu bể thăng trầm. Các nhà làm sử dù là sử quan, sử thần (do vua cử ra) hay là sử gia (các trí thức chuyên về môn sử học) dù tài giỏi, uyên bác đến đâu, cũng không thể ghi cho đầy đủ. Họ không thể nào biết hết mọi chuyện. Ngay cả với những sự kiện trọng đại, họ cũng không thể nói thẳng ra, hoặc vì quan niệm, vì kỷ luật bó buộc. Thí dụ như ai đã là cha của các ông vua Lê Hoàn, Lý Công Uẩn ..v.v… thì không thể biết (hoặc có biết mà không dám nói), họ đành quy là do mẹ các ông ấy đã được giao hợp với Thần! Lại thí dụ như vua Lê Thánh Tông dù là một bậc minh quân, nhưng có thể là có chuyện lăng nhăng này nọ. Không thể nói thẳng điều ấy sử quan đành ghi một nhận xét phê phán nhẹ nhàng: “nữ yết thái thậm” (con gái hầu quá nhiều). Dân gian không bằng lòng với cách ghi chép này. Dã sử sẽ cho thấy ông vua này có khá nhiều giai thoại… Vậy là những sự kiện, những nhân vật lịch sử, ngoài những gì họ được chính thức ghi chép trong sách vở của nhà nước, họ còn được dân gian ghi nhận. Chuyện của họ dù đúng hay sai, song tất nhiên phải có cơ sở, phải có cái lõi sự thực nhất định, và được những người có chứng kiến, có nghe bình luận, có ngấm ngầm ghi nhận và khẳng định đó là sự thật. Thế rồi họ sẽ lưu truyền cho nhau, kể một cách tự do theo cảm quan hay do nhận thức của số đông. Những chuyện kể ra như vậy đã thành dã sử, hay nói một cách khác là sử dân gian. Và tất nhiên, không phải chỉ có chuyện trong cung đình, mà còn có chuyện của những người có tên tuổi, chuyện về những sự kiện quan trọng của các triều đại, các giai đoạn. Dã sử có thể là chuyện sử của một người (cả người có tiếng tăm và người bình thường) của một làng, của một dòng họ. Có thể những chuyện ấy có liên quan ít nhiều đến chính sử, nhưng cũng có thể chỉ là chuyện riêng, tầm ảnh hưởng chỉ có trong phạm vi không gian và thời gian hạn hẹp, nhưng vẫn có một giá trị sử liệu nhất định, vẫn tồn tại trong ký ức của nhiều người và nhiều thế hệ. Dã sử chỉ là những câu chuyện riêng tư. Trong sách Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, có chua thêm cả chữ Pháp để chỉ ra rằng dã sử là sử của tư gia (histoire privée). Như vậy là rất đúng.