Tất Cả Chúng Ta Đều Hành Xử Cảm Tính
Richard H. Thaler đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu về nhân tố trung tâm trong kinh tế học – đó là những con người hay mắc sai lầm và dễ đoán. Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính là sản phẩm kết hợp tài tình những nghiên cứu mới nhất về tâm lý học và kinh tế học, với tài kể chuyện lão luyện và óc hài hước đáo để. Có ý kiến cho rằng cuốn sách này có tính dẫn nhập khá cao vì đã cẩn thận diễn giải những khái niệm cũng như thuật ngữ căn bản của kinh tế học hành vi. Dù tác giả đã mào đầu “tôi là một kẻ lười biếng có hạng, vì vậy tôi chỉ đề cập đến những điều lý thú, ít ra là đối với tôi, mà thôi”, cuốn sách vẫn quá tầm với tôi, một phần vì kiến thức của tôi còn hạn hẹp và một phần vì lối dịch thuật. Phần mục lục của cuốn sách gồm nhiều chương được sắp xếp và đề tên theo kiểu mà mới nhìn vào, bạn sẽ chẳng thể đoán được là mình sắp đọc cái gì. Richard Thaler đặt tên từng chương theo bản chất vấn đề phát sinh trong đó, chương này nối tiếp chương kia theo trình tự thời gian như một cuốn tiểu thuyết kể từ khi kinh tế học hành vi phôi thai đến lúc thành hình. Về căn bản, nó gần hơn với một cuốn tự sự về công việc hay hồi ký của tác giả thân sinh – Thaler có thể được coi là cha đẻ của ngành khoa học kinh tế học hành vi. Ông đã đưa người đọc đi từ những điểm nhỏ nhất- nơi phát sinh ra vấn đề, qua những thí nghiệm, những cuộc điều tra và công bố kết quả hết lần này đến lần khác, khi những cuộc họp được tổ chức và ông cùng đồng nghiệp hứng chịu những lời chỉ trích của phái duy lý trong lý thuyết kinh tế học. Sau rốt, những nỗ lực phản biện cuối cùng đã hình thành nên ban chuyên nghiên cứu kinh tế học hành vi - một nhánh mới của khoa học kinh tế học. Theo phát hiện của ông, con người hành xử không hề duy lý như họ vẫn nghĩ. Có nhiều quyết định được đưa ra dựa trên cảm tính và những quyết định này mang tính hệ thống đến mức chúng gây ra ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Ông gọi những con người duy lý trong kinh tế là các “Econ” (homo economicus)- là những cỗ máy kinh tế đội lốt con người, không quan tâm đến “những nhân tố không phù hợp” (Supposedly Irrelevant Factors- SIFs). Các Econs không phải những con người khôn ngoan (homo sapiens) thực đang mua bán vào ra trên thị trường. Ông nói “con người không phải là các Econs, và các Econs càng không hề giống nhau” đồng thời chỉ ra rằng “các giả định mà lý thuyết kinh tế dựa vào còn nhiều khiếm khuyết”, chúng ta nên “ đưa yếu tố con người vào các lý thuyết kinh tế nhằm cải thiện độ chính xác của các dự đoán dựa vào các lý thuyết đó”. Thaler có một bản danh sách “Những điều ngây ngô mà người ta làm” treo trong văn phòng làm việc để rồi nghiền ngẫm mãi về chúng trong những năm sau đó. Ai mà ngờ cái bản danh sách lại mang đến cho ông giải Nobel kinh tế học. Cuốn sách không chỉ đem đến những phát kiến bất ngờ về mặt kiến thức, nó còn thể hiện tính cách hài hước, thân mật của Richard Thaler. Dù là một nhân vật lớn trong lĩnh vực kinh tế học, người giành giải thưởng Nobel danh giá, tôi không hề cảm thấy Thaler là một ai đó xa lạ và uy quyền. Cách ông gọi tên đồng nghiệp thân mật (Danny-Daniel Kahneman), cách ông chú thích về những người đã khuất với tất cả niềm trân trọng và cảm mến, cách ông cảm ơn từng người đã góp sức cho ra đời cuốn sách này khiến tôi rất đỗi yêu quý một con người sinh ra trước tôi hơn năm chục năm, sống cách xa tôi đến nửa vòng trái đất.