Triết Học Của Tự Do

  • Triết Học Của Tự Do


Triết học của tự do ở đây không có nghĩa là nghiên cứu vấn đề về tự do như một trong các vấn đề của triết học, tự do ở đây không có nghĩa là khách thể. Triết học của tự do ở đây có nghĩa là triết học của những người tự do, là triết học xuất phát từ tự do, trái ngược với triết học của nô lệ, với triết học xuất phát từ tính tất yếu, tự do có nghĩa là trạng thái của chủ thể đang triết lí. Triết học của tự do là triết học tôn giáo, là triết học trực giác, là triết học của những người con đẻ, chứ không phải là triết học của lũ con nuôi. Kim chỉ nam của cuốn sách này xuất phát từ tự do ngay từ đầu, chứ không dẫn tới tự do ở cuối. Không nên rút tự do ra từ bất kì cái gì, tự do chỉ có thể hiện diện ngay từ đầu ở trong nó. Cũng không nên rút ra sự thật về Chúa, nó mở ra trong ánh chớp, nó được đem lại toàn bộ trong Mặc khải. Niềm tin bất di bất dịch, không lay chuyển rằng, sự thật được đem lại trong trực giác thần bí, rằng không nên tiến lên, không nên vươn xa nếu không có điểm tựa là thành trì của Chúa, không có sự trợ giúp là hồng ân, khi bị bỏ rơi và cô độc, bị chia cắt với linh hồn thế gian, - niềm tin này quy định cách thức trình bày cuốn sách này. Cuốn sách này chủ ý sử dụng phương pháp xuất phát, chứ không phải phương pháp đi đến, xuất phát từ những gì đã được Mặc khải, đã nhìn thấy như ánh sáng, chứ không phải đi đến cái vẫn chưa được Mặc khải, chưa nhìn thấy và chìm đắm vào bóng tối. Mọi nhà tư tưởng thần bí đều đi theo con đường này; ví dụ, người có tinh thần gần gũi với tôi là Franc Baader đã đi như vậy. Triết học Kitô giáo, hay thần trí luận (теософия), trong cuốn sách này không đặt kì vọng vào “tính khoa học” mà vào tính chân thực. Kì vọng này có cơ sở của nó là sự thật không phải do tôi bịa đặt và khám phá ra, vì tôi truyền bá Kitô giáo. Tính khoa học không phải là tiêu chí duy nhất, tiêu chí tối hậu về tính chân thực.


    Viết đánh giá

        Bad           Good

    Sách cùng tác giả

    Sách cùng thể loại