Quyền Lực Của Không Quyền Lực
Václav Havel sinh ngày 5 tháng Mười năm 1936 tại Praha, trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc. Sau Thế chiến II, sự nghiệp học hành của ông gặp trắc trở vì lý lịch. Havel tự học và trở thành nhà văn, nhà viết kịch. Sau khi cách mạng Mùa xuân Praha bị Hồng quân Liên Xô đàn áp (1968), ông bị cấm viết kịch và bắt đầu hoạt động chính trị. Là người đề xướng tuyên ngôn Hiến chương 77, ông phải ngồi tù 5 năm. Tư tưởng chính trị và đạo đức của Havel có ảnh hưởng to lớn đến phong trào dân chủ ở Đông Âu. Havel là lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nhung của Tiệp khắc năm 1989, sau đó là người đứng đầu Diễn đàn dân sự (Civic Forum), tổ chức chính trị đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc tuyển cử tự do đầu tiên sau chế độ cộng sản. Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ, sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech. Sau khi rút lui khỏi chính trường, dù bệnh tật, Havel vẫn ủng hộ các phong trào bất bạo động chống chế độ toàn trị ở các nước như Cuba, và cả Việt Nam. “Quyền lực của không quyền lực”[1] (1978) là tác phẩm kết tinh tư tưởng của Havel. Tiểu luận này đã ảnh hưởng đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, định hướng lại lý thuyết chính trị về chế độ cộng sản, và góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự. Tiểu luận mở đầu bằng một phân tích chính trị xuất sắc: định danh thực trạng Đông Âu thời kì hậu Stalin bằng cái tên “hậu toàn trị”[2]. Havel đã vạch ra đặc điểm cơ bản nhất của hệ thống hậu toàn trị: xã hội bị tha hóa thành một hệ thống tự động vận hành. Hệ thống này nô dịch và điều khiển tất cả mọi người - từ giới lãnh đạo chóp bu cho đến từng người dân. Không có ai đứng trên hay đứng ngoài hệ thống ấy: mỗi người vừa là tù nhân, vừa là cai ngục cho hệ thống. Trong hệ thống hậu toàn trị, “sống đời dối trá” (living a lie) bao trùm xã hội như một định mệnh. Havel đã lột tả từng chiều cạnh của bi kịch này. Havel - nhà văn - đã đúc kết sự dối trá ý thức hệ qua hình ảnh: người bán rau quả treo trước quầy hàng, cùng với những lô hành và cà-rốt, khẩu hiệu “Vô sản thế giới đoàn kết lại!”. Havel - nhà đạo đức - đã chỉ ra tình trạng mất nhân phẩm của cá nhân, và vai trò của ý thức hệ như là mạng che cho các cá nhân đỡ bị trần truồng trước thực trạng ấy. Havel -nhà chính trị học - giải phẫu sự dối trá ý thức hệ với tư cách là dung dịch điều hòa hoạt động của các cá nhân bị nô dịch và tự nô dịch trong hệ thống, để đảm bảo cho hệ thống toàn trị vận hành nhịp nhàng...