Những Lời Bộc Bạch

  • Những Lời Bộc Bạch


Jean-Jacques Rousseau là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789 cũng như sự phát triển của lý thuyết xã hội. Các sáng tác của Jean-Jacques Rousseau có tầm ảnh hưởng lớn tới các lĩnh vực như triết học, xã hội học, giáo dục, chính trị, và cả nghệ thuật - âm nhạc và văn học. Cuộc đời của Rousseau được mọi người biết đến nhờ vào những tác phẩm tự thuật phong phú, trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là Les Confessions - Những lời bộc bạch. Bắt đầu viết từ năm 1664, tác phẩm này được Rousseau chủ đích mang lại cho người đọc những hình ảnh thực sự về ông và cũng để phản ứng lại với nhũng lời cáo buộc của những người đối kháng ông. Là sự biện hộ, đồng thời là sự lý giải, là cáo trạng, Những lời bộc bạch đồng thời là một chứng ngôn độc nhất vô nhị về bản chất con người. Ở đấy, con người tự phơi bày, thú nhận những mâu thuẫn và lỗi lầm, nhìn lại đời mình như một hành trình khai tâm, quyết chân thực một cách tuyệt đối...

Rousseau là một trong những vĩ nhân có xuất thân "dưới đáy" nhưng sau này đã vượt lên để trở thành người khổng lồ của nhân loại - một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến phong trào Khai sáng, cuộc cách mạng Pháp cũng như chủ nghĩa Lãng mạn. Cậu bé ốm yếu và đa cảm, mồ côi mẹ từ nhỏ, sinh ra trong một gia đình chữa đồng hồ lang bạt - đã dành cả cuộc đời mình tìm kiếm và xây dựng một con người lý tưởng trong xã hội mà ông nhìn thấy có quá nhiều bất công. Nghiệm chứng từ chính bản thân mình trong mối tương quan với cộng đồng, các tác phẩm trong cuộc đời Rosseau tập trung ở 2 công trình lớn: xây dựng các "Khế ước xã hội" và xây dựng con người mới - "Émile hay là về giáo dục".

Không chỉ tìm cách cải thiện cấu trúc xã hội bằng cách đưa ra các ý tưởng về khế ước, ông còn nhìn sâu và đấu tranh với cái xấu ngay trong chính bản thân mình. Dù nhiều người xem ông là cực đoan và kì dị, Rousseau chắc chắn là một trong những triết gia liêm khiết nhất, tự trọng nhất, thành thực nhất - người đã lấy cuộc đời mình chứng minh cho những quan niệm mà ông theo đuổi.

Bên cạnh đó, là một triết gia của thế kỉ 18 nhưng Rosseau có một tầm nhìn rất xa vượt qua thời đại của mình: ông dùng lý trí để phê phán cách sử dụng lý tính tuyệt đối, ông tôn trọng con người thuần chất, tôn trọng cảm xúc và lưu ý về việc giữ gìn cảm xúc, ông cảnh báo về sự xa rời của con người với tự nhiên, ông là người đầu tiên đem lại phẩm chất cao quý cho từ "dân chúng"...

Nội dung cuốn tự truyện Những lời bộc bạch của Rousseau được chia thành hai phần rõ rệt: Phần Một dành cho 30 năm của tuổi thanh xuân của ông với những hồi ức tươi mát và êm đềm, với “muôn ngàn ấn tượng thú vị”; Phần Hai thuật lại quãng thời gian tương tự, đầy những biến động trong cuộc chiến đấu với bản thân, với xã hội: vinh quang, danh tiếng, khổ đau, tai họa... Kết cấu Phần Một cân đối, các quyển có số trang tương đương, tuy bao trùm những khoảng thời gian không đều nhau, có khi mười mấy năm, có khi chỉ mấy tháng. Mỗi hồi tưởng là một lạc thú mới mẻ, được tác giả trở đi trở lại “và có thể sửa sang không ngại ngùng sự diễn tả cho đến khi hài lòng”. Phần Hai được Rousseau viết nhanh trong trạng thái “lo sợ và đãng trí, bị những kẻ rình mò và canh gác đầy cảnh giác đầy ác ý vây bọc” nên kết cấu có phần không chặt chẽ bằng Phần Một. Cuộc đối đầu liên miên với những trở ngại, những sự ngược đãi, các tài liệu, thư từ được viện dẫn, khiến số trang của mỗi quyển tăng dần lên...

”Phong phú và đa nghĩa, kể từ khi xuất bản cho đến nay, Những lời bộc bạch không ngừng là đối tượng cho những phương pháp tiếp cận khác nhau. Nhiều điều được cách đọc phân tâm học khai thác: việc Jean-Jacques ra đời khiến người mẹ thiệt mạng, tình của người cha với yêu thương và oán trách hòa trộn, khoái cảm của chú bé lên mười nhận sự trừng phạt từ bàn tay cô gái ba mươi tuổi, hành vi ác với Marion bắt nguồn từ cảm nghĩ trìu mến... Cách đọc xã hội học chú trọng đến hoàn cảnh kinh tế, địa vị giai cấp, khi lý giải thái độ kiên quyết khước từ ân huệ của triều đình, lựa chọn sự thanh bần và tự do, khi phân tích những ý tưởng sắc sảo, cũng như những điều cực đoan, hoặc mâu thuẫn trong các luận điểm của Rousseau. Với các nhà phê bình chú trọng đến ngôn ngữ, phong cách, ba bản thảo chép tay Những lời bộc bạch mà Rousseau để lại là tư liệu khảo sát quý giá. Rousseau nhiều lần bộc bạch nhược điểm không “lợi khẩu”, không nhanh trí để ứng đối trong các phòng khách, nhưng ông tự tin ở văn tài, kết quả của lao động kiên nhẫn và sáng tạo. Qua mỗi bản thảo, những sửa chữa, giảm nhẹ hay nhấn mạnh, bổ sung hay lược bớt, cho thấy Rousseau người tự thuật vẫn là “người làm văn chương đến cùng”...” Dịch giả cuốn sách Lê Hồng Sâm chia sẻ.


    Viết đánh giá

        Bad           Good

    Sách cùng tác giả

    Sách cùng thể loại