Nữ Tu Sĩ

  • Nữ Tu Sĩ


Denis Diderot (1713 – 1784) là một trong những nhà văn và nhà tư tưởng lớn của phong trào Ánh sáng Pháp ở thế kỷ XVIII, một trong những người đã góp phần tích cực chuẩn bị cho cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 về ý thức tư tưởng. Hoạt động của ông bao gồm nhiều mặt. Là một nhà tư tưởng duy vật, ông đã viết nhiều công trình triết học có giá trị như: Tư tưởng triết học (1746), Bức thư về những người mù để cho người sáng mắt đọc (1749). Ông cũng là người chủ biên bộ Bách khoa toàn thư, bộ sách đã tập hợp hầu hết những nhà khoa học, triết học, văn học lỗi lạc đương thời, được xuất bản với mục đích tuyên truyền cho những tư tưởng Ánh sáng, đánh đổ thế giới quan phong kiến phản động và xây dựng một thế giới quan duy vật tiến bộ. Diderot còn viết nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Ông chiến đấu cho một nền nghệ thuật có mục đích phục vụ nhân dân và đặt một số cơ sở cho nền văn học hiện thực. Đồng thời Diderot là một nhà soạn kịch, một nhà văn đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhất là các truyện Nữ tu sĩ (1760), Jacques, anh chàng định mệnh chủ nghĩa (1761), Người cháu của Rameau (1762).

Nữ tu sĩ là một tác phẩm thuộc truyền thống văn học Pháp và châu Âu chống lại những sự hà lạm của nhà thờ. Đã từ lâu nhà thờ Thiên chúa giáo là dinh lũy của chế độ phong kiến phản động. Nhà vua chuyên chế, các giai cấp thống trị dùng nó làm một lợi khí đắc lực để mê hoặc và đàn áp sự phản kháng của nhân dân. Chúng lập một mạng lưới nhà thờ dày đặc khắp thành thị và nông thôn nước Pháp. Có thể nói bóng đen của nhà thờ ngả xuống hầu hết ruộng đất của nước Pháp. Bên cạnh chính quyền vốn đã hà khắc của chế độ quân chủ chuyên chế để cai trị nhân dân về mặt pháp lý, lại có thêm thẩm quyền của tôn giáo để áp bức nhân dân về mặt linh hồn. Hầu hết những việc ma chay, cưới hỏi của nhân dân đều do nhà thờ quyết định. Để kìm hãm nhân dân trong ngu tối, nhà thờ tích cực hoạt động ngăn trở sự phát triển của khoa học, của triết học duy vật, nói tóm lại, của tiến bộ xã hội. Vì vậy mà từ trước đến nay, những nhà tư tưởng, những văn nghệ sĩ tiền tiến của các thời đại đều đã lên tiếng phản đối những học thuyết ngu dân của nhà thờ. Từ thời Phục hưng, Boccaccio, nhà văn Ý, trong các truyện của mình, cũng như viết hài kịch Pháp Molière ở thế kỷ XVIII, trong các vở Trường học làm vợ, Tartuffe, Don Juan đều đã vạch trần tính chất giả nhân giả nghĩa và những sự tàn bạo của nhà thờ...


    Viết đánh giá

        Bad           Good

    Sách cùng tác giả

    Sách cùng thể loại