Thuyết Công Lợi
Cuốn Thuyết Công lợi của Mill (1863) là một trong hai tác phẩm cơ bản, từ nguồn gốc lịch sử đến nội dung học thuyết, của trường phái đạo đức học này. Trước sách này là cuốn Giới thiệu những Nguyên tắc của Đạo đức và Lập pháp (Introduction to the Principles of Morals and Legislation, 1789) của Jeremy Bentham (1748–832), một triết luật gia và là một lãnh tụ của phong trào cải cách xã hội và pháp chế ở Anh vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Cha của John Stuart Mill là James Mill (1773–1836) vốn là một cộng sự của Bentham. Khi chàng trai trẻ Mill lớn lên, cũng giống như cha mình, đã đọc và tham khảo Thuyết Công lợi mà Bentham đề ra, và viết cuốn Utilitarianism này để cổ võ và ủng hộ cho học thuyết của Bentham. Ngoài tác phẩm ngắn này, Mill còn viết cuốn Bàn về Tự do (On Liberty, 1859) cổ võ cho tự do cá nhân, nhất là về hai phương diện tư tưởng và ngôn luận, và Về sự Đàn áp Phụ nữ (On the Subjection of Women, 1869) trong đó Mill chỉ trích và phê phán nặng nề việc phụ nữ Anh quốc bị giới hạn tự do trong vai trò xã hội và quốc gia, và một số tác phẩm khác về chính trị và xã hội. Ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, ở Anh quốc, cũng như khắp Âu châu, bình đẳng giai cấp và giới tính vẫn chưa được công nhận một cách phổ quát. Vì thế, học Thuyết Công lợi của Bentham và Mill được xem như là cơ sở tư tưởng cách mạng cho phong trào tranh đấu cho bình đẳng của nhân dân Anh quốc lúc đó. Mill vốn chống lại chính sách nô lệ khắp nơi, nhưng khi đề cập đến vấn đề chủ nghĩa thực dân, nhất là của Anh quốc ở Ấn Độ, thì Mill, vốn là một nhân viên của Công ty Đông Ấn của Anh (British East India), lại cho rằng chính sách của đế quốc Anh ở Ấn Độ là một thể loại “benevolent despotism” (độc tài làm phước) vì cho rằng Ấn Độ là một quốc gia man rợ, chưa khai hóa, do đó, không thể áp dụng nguyên tắc bình đẳng của Anh quốc cho dân Ấn được. Mill còn cho rằng những ai lên án việc đế quốc Anh cai trị thô bạo người Ấn thì kẻ ấy không hiểu gì về vấn đề đó cả. Thuyết Công lợi nhấn mạnh đến nguyên lý dân chủ khi coi mọi người, bất kể giai cấp, giới tính, trình độ, đều được đánh giá ngang nhau, khi cứu xét lập pháp và chính sách quốc gia và xã hội. Bentham đã đưa ra câu khẩu hiệu nổi tiếng, “Everyone to count for one, no one to count for more than one” (Moi người được coi như là một, không ai được coi hơn là một.) Thuyết này nhấn mạnh rằng hạnh phúc và lạc thú của mỗi cá nhân đều bình đẳng. Do đó, khi hoạch định chính sách, hay đề xuất lập pháp, phải xem xét hậu quả của từng vấn đề. Và nguyên tắc cơ bản phải là, hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất (greatest happiness to the greatest number of people). Đây là một thể loại đạo đức học dựa trên nguyên lý hậu quả (consequentialism). Nó đồng thời cũng là một học thuyết hành vi trên cơ bản cứu cánh luận (mục đích luận, mục đích cuối cùng, mục đích tối hậu = teleology). Hãy xét lấy hậu quả tối cùng để đánh giá hành động hay chính sách. Không có hành động hay chính sách nào tự nó mang tính đạo đức hay vô đạo đức khi tách rời nó ra khỏi những hệ quả mà nó tác động và ảnh hưởng đến. Mill, cũng như Bentham và các triết gia khác của chủ thuyết này, đã chỉ trích Học Thuyết Đạo Đức deontology (deon – bổn phận) của Immanuel Kant (1724–1804) vốn nêu lên nguyên lý đạo đức rằng, “Hãy hành động như thể rằng nguyên tắc hành động của ngươi sẽ được chấp nhận như là một bộ quy tắc luật lệ cho tất cả mọi cá nhân có lý trí.” Mill phản biện nguyên lý deontology này của Kant rằng, một kẻ xấu, có thể hành động tội ác và cũng sẽ đưa quy tắc sai lầm của tội ác này lên như là quy chuẩn cho nhân loại. Do đó, xét về hậu quả, thì Kant đã thất bại với nguyên lý bổn phận như thế. Mill, cũng như Bentham, và trước đó, là các triết gia đạo đức khác của người Anh như Francis Hutcheson (1694–1764) và William Paley (1743– 1805), đều nằm trong truyền thống triết học empiricism (kinh nghiệm luận, hay thực nghiệm luận, hay chủ nghĩa kinh nghiêm). Giá trị của nguyên tắc, hay hành động, chỉ có thể được đánh giá trên cơ sở kinh nghiệm. Và giá trị của tập thể, của quần chúng, cộng đồng, như là một tổng thể đồng nhất của những cá nhân bình đẳng, là cơ bản cho mọi đánh giá về nguyên tắc đạo đức.