Frankenstein
Mary Shelley, tên thời con gái là Mary Wollstonecraft Shelley (1797-1851), là nhà văn, kịch tác gia Anh, nổi tiếng nhất với cuốn tiểu thuyết Gothic Frankenstein, hay Prometheus thời Hiện đại (thường biết đến với tên Frankenstein). Bà cũng từng là người biên tập và quảng bá cho các tác phẩm của chồng - triết gia, nhà thơ lãng mạn Percy Bysshe Shelley. Cha bà là nhà triết học chính trị William Godwin; còn mẹ bà là nhà triết học, nhà nữ quyền Mary Wollstonecraft... Trong khi rất nhiều kịch bản chuyển thể sân khấu, truyền hình và phim ảnh từ tác phẩm Frankenstein đã đơn giản hóa những xúc cảm và trí tuệ phức tạp của Victor Frankenstein và sinh vật này tạo ra cho thế giới, cuốn tiểu thuyết lại không như vậy. Sức mạnh vĩnh cửu của nó đã được chứng tỏ qua một loạt phản ứng bùng nổ với vô số các bài phê bình văn học và hơn chín mươi kịch bản chuyển thể các loại từ khi tác phẩm ra đời. Cuốn sách trở thành một tác phẩm kinh điển mọi thời đại trong thể loại của mình. Trong cái vỏ một câu chuyện kinh dị hoang đường độc nhất vô nhị. Frankenstein của Mary Shelley mang những ngụ ý triết học và đạo đức lớn lao: sự đối lập giữa những gì con người tạo ra với tự nhiên; cái thiện và cái ác; tham vọng và trách nhiệm xã hội - những chủ đề chiếm trọn sự chú ý của độc giả và khơi gợi những suy tư sâu sắc về những vấn đề nhạy cảm nhất của thời đại chúng ta. Cuốn sách được kể dưới mắt nhìn của cả quái vật lẫn Victor. Bằng thủ pháp trực tiếp, Mary Shelly đã cho thấy và khắc hoạ nội tâm cùng những diến biến tâm lí của hai nhân vật chính của cuốn sách. Sự cô đơn và ruồng bỏ là nguồn gốc tạo nên mọi tội lỗi trên thế gian. Điều khiến Frankenstein trở thành con quái vật đáng sợ nhất có lẽ bởi nó được tạo ra từ những bộ phận con người và có hình dạng giống người. Thảm kịch mà con quái vật này gây ra quả thật khủng khiếp nhưng có lẽ tất cả chỉ vì nó quá cô độc và mong muốn một người ở bên. Khi bị chính người cha từ chối và khước từ, cơn giận tạo nên sự đau thương và sự trả thù bắt đầu. Xét về một phương diện nào đó, bóng ma Erik của Gaston Leroux cũng mang chung một nỗi niềm và tâm trạng. Cả hai nhân vật đều bị biến thành những con quái vật nhẫn tâm trong vô thức chỉ bởi họ thiếu thốn đi tình yêu và sự quan tâm giữa người với người. Sống trên đời là một điều hạnh phúc thế nhưng với những kiếp người như Frankenstein và Erik thì đó có lẽ cũng không khác gì địa ngục trần gian. Quái vật sau cùng là được tạo ra chứ không phải là được sinh ra. Lối kể và dẫn dắt tài tình của Shelley đã tạo nên một dấu ấn bất hủ cho tiểu thuyết gothic của mình. Ngoài ra dù rất ít và đa phần bao trùm cuốn tiểu thuyết là một bóng đen bi kịch nhưng nữ sĩ vẫn đưa vào đó một chút tình yêu. Đó là cảnh quái vật Frankenstein được sống bên cạnh ông cụ Lacey, người duy nhất không ruồng bỏ hay sợ hãi hắn. Thứ thuốc duy nhất chữa được căn bệnh rắc rối đó chỉ có thể là tình yêu mà đó là phương thuốc không thể có trong tác phẩm này. Mọi việc đều có nguyên do và kết cục, những hậu quả đáng sợ chỉ vì mất đi tình yêu. Nữ sĩ phải chăng muốn nhắn nhủ tới tất cả người đọc phải biết đồng cảm và chấp nhận, phải biết cho đi những đặc ân và lòng bao dung. Frankenstein và Victor nhìn từ một góc độ thì họ là hai cha con, và nếu như trong xã hội chúng ta đang sống thì có lẽ đó là đứa con bị chính cha mẹ ruồng rẫy. Trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đã từng viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Thứ lạnh lẽo nhất chính là sự thiếu thốn tình thương và cách mà con người đối xử với nhau làm tổn thương nhau còn tàn nhẫn hơn ma quỷ rất nhiều. Bởi vậy nếu theo một cách đánh giá khách quan, người viết đồng tình tại sao con quái vật giống người đó lại xứng đánh dành chiến thắng trước những chuẩn mực cơ bản hay định nghĩa mà chúng ta vẫn hay nghĩ. Và gián tiếp cuốn sách cũng nhắn nhủ tới mọi người về sự trừng phạt khi cố tình đem thứ vốn dĩ đã chết trở về cuộc sống. Sự đảo lộn tự nhiên vốn dĩ đã là điều cấm kị, sinh tử có số và ai phạm nó vốn đều phải nhận lại những hậu quả khủng khiếp. Thần y Asclepius vì cứu sống người mà bị sét đánh chết, anh em Elric và Alphonse cùng vì muốn hồi sinh mẹ mà mất đi cơ thể và tay chân trong tác phẩm của Arakawa Hiromu. Và trong phần bảo bối tử thần của Harry Potter, người anh thứ hai do muốn trêu đùa thần chết mà dùng viên đá hồi sinh người mình yêu cũng chịu thảm kịch và đánh mất linh hồn vào tay thần chết. Nếu ai đó từng đọc Những người khốn khổ của Hugo, Những tấm lòng cao cả của Amicis, thì tiểu thuyết Frankenstein có lẽ cũng là cuốn sách bạn không nên bỏ qua. Đọc từ từ bạn sẽ cảm nhận được suy nghĩ và nội tâm của con quái vật trong truyện hay nói đúng hơn là bản ngã của mỗi con người chúng ta. Hãy đặt cho mình một câu hỏi sau khi gập lại cuốn sách...