Túp Lều Bác Tom
Nước Mĩ mới được thành lập từ cuối thế kỉ XVIII, sau khi đánh bại bọn thực dân Anh. Vừa ra đời, nó ra sức phát triển công nghiệp, với ý đồ đuổi kịp và vượt các nước tư bản châu Âu. Ngay từ đầu, tư bản Mĩ đã thấm đầy máu và mồ hôi của nhân dân lao động, nhất là của những người nô lệ da đen. Đầu thế kỉ XIX, kinh tế Mĩ phát triển mạnh, nhân công thiếu một cách nghiêm trọng. Để có nhân công, bọn con buôn sang châu Phi, buôn những người da đen; chúng xông vào các thành thị, thôn xóm châu Phi, lùa từng đoàn người xuống tàu biển chở sang Mĩ làm nô lệ. Biết bao cảnh đàn áp, đánh đập, giết tróc vô cùng tàn nhẫn. Chúng nhốt những người da đen vào cũi dưới hầm tàu, đẩy họ lên đất Mĩ sống cuộc đời nô lệ. Một số những người nô lệ ấy, phần nhớ quê hương đất nước, gia đình làng mạc, phần bị hành hạ hết sức dã man, đã bỏ mình trên đường tới nước Mĩ, và xác họ bị vứt xuống biển. Hàng vạn người đã chịu số phận như thế. Những người sống sót bị bán ở các chợ bán nô lệ nhan nhản trên thị trường Mĩ lúc bấy giờ. Họ bị xiềng xích, đánh đập, vợ lìa chồng, cha bỏ con, cuộc đời đầy tủi nhục, oán hờn. Những người nô lệ bị coi như đồ vật, những "đồ vật biết nói" không có chút quyền mảy may; chủ nô lệ có đủ mọi quyền hành đối với họ như đối với những đồ vật vô tri vô giác. Chúng tha hồ đánh đập, bán đi mua lại, hoặc giết chết. Đó là một chế độ cực kì dã man, một vết nhơ trong lịch sử nước Mĩ. Nhưng ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh. Những người nô lệ da đen đã nhiều lần nổi dậy để tự giải phóng; nhưng họ bị đàn áp khốc liệt, những cuộc nổi dậy bị nhấn chìm trong biển máu. Đến giữa thế kỉ XIX, vì vấn đề chế độ nô lệ, nước Mĩ chia làm hai miền chống đối nhau; một cuộc nội chiến gọi là "Bắc Nam phân tranh" kéo dài 5 năm (1860 - 1865). Ở miền Bắc nước Mĩ, công nghiệp phát triển mạnh mẽ cần nhiều công nhân có quyền tự do vào làm các xưởng máy, do đó chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ để thu hút nhân công từ ruộng đất vào xí nghiệp. Nhưng ở miền Nam nước Mĩ, đất đai màu mỡ, việc trồng bông rất thuận tiện. Công nghiệp dệt lại đòi hỏi nhiều bông. Nhu cầu về bông tăng lên vùn vụt. Bọn tư bản miền Nam muốn giữ nhân công gắn chặt với ruộng đất của chúng, cố sức duy trì chế độ nô lệ. Mâu thuẫn về quyền lợi của tư bản giữa hai miền Nam - Bắc tăng lên. Đó là nguyên nhân xảy ra nội chiến ở Mĩ. Từ năm 1840, ngay ở miền Nam nước Mĩ, có những người Mĩ có xu hướng tiến bộ chủ trương giải phóng nô lệ. Họ đấu tranh lên báo chí, trong nghị trường, đòi chính phủ phải hủy bỏ chế độ vô nhân đạo ấy. Họ giúp người nô lệ da đen trốn khỏi địa ngục là những đồn điền bông; ở đó người da đen bị ngược đãi hết sức dã man. Họ tổ chức những chặng đường bí mật, những trạm đón tiếp nô lệ bỏ trốn, dẫn sang Canada, là đất nước lúc bấy giờ không còn chế độ nô lệ (Canada xóa bỏ chế độ nô lệ năm 1833). Đất Canada tượng trưng cho sự tự do của những người nô lệ da đen ở Mĩ lúc bấy giờ. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm "Túp lều bác Tom" là như thế. Bà Harriet Beecher Stowe (1811 - 1896) - tác giả của quyển sách này, sống ở bang Ohio, một bang ở sát miền Nam nước Mĩ, nơi chế độ nô lệ tồn tại khốc liệt nhất. Bà đã mắt thấy tai nghe những cảnh buôn bán nô lệ rất thương tâm; bà đã chứng kiến những cảnh lao động khổ nhục của người nô lệ; bà đã thấy họ bị đày đọa, đánh đập tàn nhẫn như thế nào; bà đã thấy bọn chủ nô dùng chó săn đuổi bắt, cắn xé người nô lệ bỏ trốn, hoặc dùng súng đi săn bắt họ như săn bầy thú rừng. Bà cũng đã thấy những cuộc đấu tranh của người da đen để tự giải phóng, và đã viết nên tác phẩm "Túp lều bác Tom". Những người Mĩ có xu hướng tiến bộ lúc ấy coi nô lệ da đen là những con người cũng có tình thương yêu gia đình thắm thiết, cũng có một tâm hồn phong phú, có trí thông minh tuyệt vời và có tinh thần đấu tranh gan dạ. Họ đứng về phía tự do, bảo vệ quyền của con người, coi chế độ nô lệ là một chế độ dã man cần xóa bỏ. "Túp lều bác Tom" đã nói lên điều đó. Tác phẩm kể cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tom. Bác là một người trung thực, ngay thẳng, biết trọng danh dự. Nhưng cuộc đời bác là một chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này qua nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng, do bảo vệ nhân phẩm của mình, bác bị đánh chết trong một đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mĩ, nơi chôn vùi bao nhiêu cuộc đời lầm than như cuộc đời bác. Tác phẩm còn kể số phận của Eliza cùng đứa con, bỏ trốn đi. Đó là một người mẹ đã hi sinh tất cả để cứu đứa con khỏi rơi vào tay một tên buôn nô lệ tàn ác; đó là một người vợ tha thiết yêu chồng - một thanh niên thông minh, đã sáng chế ra một cái máy tước sợi gai, mà cuộc đời cũng bị đày đọa, trăm nghìn cay đắng. "Túp lều bác Tom" ca ngợi những người nô lệ da đen là những người trung thực, biết tôn trọng phẩm giá con người như bác Tom, những người mẹ dũng cảm như Eliza, những thanh niên cương nghị, tha thiết với tự do như George. Đồng thời, tác phẩm cũng lên án đanh thép chế độ nô lệ nhan nhản những tên con buôn, những tên chủ nô lệ cùng bọn tay sai vô cùng tàn bạo, bọn côn đồ chỉ biết tôn thờ tiền vàng. Đồng tiền vàng làm chúng mất hết tính người. Pháp luật của nhà nước Mĩ bênh vực chế độ nô lệ, cho phép chúng đánh đập xiềng xích, giết chết những người da đen vô tội và trừng trị những ai che chở người nô lệ. Với tác phẩm của mình, nhà văn Stowe đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mĩ; bà tố cáo thống thiết chế độ vô nhân đạo ấy, khích lệ những người Mĩ có lương tâm đấu tranh để tiêu diệt nó. Đọc tác phẩm này, chúng ta cần chú ý đến hai con đường để thực hiện lí tưởng tự do. Bác Tom sống một cuộc đời trong sạch, bác thương yêu vô hạn những người cùng cảnh ngộ, bác dũng cảm chịu chết chứ không chịu đánh một người nô lệ khác. Bác không đấu tranh bạo lực, sợ đổ máu. Bác luôn luôn hướng về Chúa, nhưng Chúa không hề bênh vực bác và những người khổ cực như bác. Tấm lòng nhân đạo đưa bác đến cái chết thê thảm. Con đường thứ hai là con đường mà Eliza, George đã đi. Phải vùng dậy, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Bằng những lời lên án quyết liệt chế độ nô lệ, bằng những con đường đấu tranh mà tác giả đã đề ra để tranh thủ mọi tầng lớp xã hội khác nhau ở nước Mĩ lúc bấy giờ, bà Stowe được coi là "người phụ nữ da trắng trẻ tuổi đã góp phần vào chiến thắng của lực lượng tiến bộ đòi hủy bỏ chế độ nô lệ trong cuộc nội chiến." Trong những năm hoạt động cách mạng thời trẻ tuổi, Bác Hồ đã qua Mĩ và đọc "Túp lều bác Tom". Bác là người Việt Nam đầu tiên lên án gay gắt chính sách phân biệt chủng tộc rất dã man của đế quốc Mĩ ngay từ ngày ấy, trong nhiều bài báo đăng trên báo chí ở nước Pháp. (Trích Lời giới thiệu)