Hội Chợ Phù Hoa

  • Hội Chợ Phù Hoa


Hội Chợ Phù Hoa được coi là một kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Anh thế kỷ 19; đó là một trong năm tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Anh-cát-lợi. Mới đầu cuốn truyện được mang tên là Những bức ký họa về xã hội nước Anh (Sketches of English Society) về sau tác giả đổi là Hội Chợ Phù Hoa; cái tên có tính chất tượng trưng này thích hợp với nội dung hơn vì bao hàm cả thái độ phủ định của Thackeray đối với xã hội đương thời. Lần ấn hành thứ nhất, ngoài bìa có ghi câu “Một cuốn truyện không có nhân vật tiêu biểu cho một hạng người, một thói xấu, hoặc một tầng lớp xã hội; toàn bộ tác phẩm là một bức tranh toàn cảnh miêu tả xã hội nước Anh đương thời, do đó các nhân vật có địa vị quan trọng như nhau, không phân biệt chính phụ”. Thật ra cuốn tiểu thuyết vẫn có những nhân vật chính, và một nhân vật trung tâm là Rebecca Sharp.

Nội dung chủ yếu của Hội Chợ Phù Hoa xoay quanh việc “làm nên” của Rebecca, một thiếu nữ “con nhà hà tiện”, cha là một họa sĩ trác táng, mẹ là một vũ nữ người Pháp. Thiếu giáo dục từ nhỏ, nhưng nhờ có sắc đẹp, lại thông minh và tài hoa, từ chỗ bơ vơ côi cút, bị khinh rẻ, cô ta trở thành con dâu của gia đình Crawley, một gia đình quý tộc thôn quê. Dựa vào địa vị nhà chồng, và nhờ những mánh khóe xảo quyệt riêng, dần dần Rebecca len lỏi được vào giới thượng lưu quý tộc nước Anh và nước Pháp, trở thành một bậc mệnh phụ, danh vọng lẫy lừng, được triều kiến cả hoàng đế George đệ tứ. Song chính những thủ đoạn đê tiện Rebecca dùng để mưu danh lợi về sau đã làm hại cô ta; Rebecca ngoại tình với một hầu tước để lợi dụng y; việc vỡ lở; cô ta bị quẳng ra khỏi xã hội thượng lưu một cách tàn nhẫn. Cô gái sớm hư hỏng ấy trở lại cuộc đời tăm tối cũ; bị cái giới thượng lưu thanh cao một cách giả dối kia ruồng bỏ, càng ngày cô càng chìm sâu xuống vũng bùn trụy lạc. Khi đã luống tuổi, chán cảnh lăn lộn vô ích, Rebecca đành sống cuộc đời tầm thường như mọi người; và nhờ số tiền kiếm được một cách bất chính, Rebecca cũng được thiên hạ kính trọng như một người có đạo đức. Xen vào câu chuyện lên voi xuống chó của Rebecca là những mẩu phim linh hoạt trình bày cuộc sống và tâm lý của nhiều hạng người khác nhau thuộc giai cấp quý tộc, giai cấp tư sản, tầng lớp trung lưu trong xã hội nước Anh đương thời: gia đình ông Sedley, một người làm nghề buôn cổ phiếu, bị cuộc chiến tranh Napoléon làm cho phá sản, lâm vào cảnh khốn cùng, nhưng vẫn luyến tiếc thời kỳ còn ôm giấc mộng làm giàu, gia đình lão Osborne, nhà tư sản buôn sáp, với một nền luân lý đặc biệt của khu City thành Luân Đôn, lấy đồng tiền làm tiêu chuẩn, gia đình Crawley, một gia đình quý tộc lâu đời ở thôn quê với đủ những cái thối tha lục đục trong nội bộ, gia đình Gôn mà người cầm đầu là hầu tước Xtên, với mâu thuẫn trắng trợn giữa cái bề ngoài đầy uy thế của một nhà đại quý tộc và thực chất bất nhân phi nghĩa của một tên lưu manh… tất cả lồng vào câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa tức cười của bộ ba Amelia, George Osborne, và Dobbin.

Chủ đề của Hội chợ phù hoa – như tên cuốn truyện cũng cho ta rõ một phần – là sự vô nghĩa, sự phù phiếm của cuộc đời, một tấn hài kịch lớn, trong đó mỗi con người sắm một vai trò mà không tự biết, hoặc một cảnh hội chợ hỗn tạp, trong đó chỉ toàn là những sự phô trương mua bán, và mọi thứ đều là những món hàng. Tác giả tự coi vừa là một anh hề sắm vai trò để mua vui cho thiên hạ, vừa là nhà đạo diễn cô lại hình ảnh của cuộc sống trong một màn kịch múa rối. Khuynh hướng vạch những nét “mặt trái đời” toát ra trong toàn bộ tác phẩm từ chương đầu đến chương cuối. Tác giả muốn rút ra một bài học luân lý; tác phẩm có tính chất như một bài ngụ ngôn dài. Tất cả những cái gì gọi là cao quý, tốt đẹp, mà thiên hạ hằng khao khát và thiết tha gắn bó, thực ra chỉ là những chuyện hết sức vô nghĩa, thí dụ như danh vọng, tiền tài, những cái vẫn gọi là những đức tính, và ngay cả những tình cảm thiêng liêng như tình cha con, tình bè bạn, tình vợ chồng… nhiều khi cũng chỉ là câu chuyện khôi hài...

(Trích Lời giới thiệu)


    Viết đánh giá

        Bad           Good

    Sách cùng tác giả

    Sách cùng thể loại