Bằng Việt - Tác Phẩm Chọn Lọc
Có một điểm, có lẽ là điểm mấu chốt nhất của thế hệ văn học trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đó là phạm trù Cái Tôi biết tự nguyện điều tiết thế nào trong Cái Ta, bản thể của cá nhân mình hòa nhập đến đâu với cả thế hệ mình và biết đặt mình vào mối quan hệ tương hỗ như thế nào, để sẵn sàng đóng góp trên ý thức xây dựng chung, cho tất cả cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà Lưu Quang Vũ cũng đã rất trăn trở với những nhân vật của anh trong vở kịch gây tiếng vang lớn một thời “Tôi và chúng ta”, trong đó những quan điểm về cá nhân và tập thể đã được đẩy lên cao trào và đạt đến chỗ thắt nút. Cuộc hành hương “từ chân trời của một người đến với chân trời của tất cả”- như cách nói của nhà thơ cộng sản Pháp Paul Éluard - là một dấu ấn tuy cách tân nhưng lại phổ quát cho tất cả những văn nghệ sĩ đã kinh qua lý tưởng nhân văn của cả một thời đại. Và chính nó đã tạo ra sự khác biệt rõ nét nhất giữa thơ sau năm 1945 ở nước ta, điển hình là thơ hai thời kỳ Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, so với nền thơ trước nó, kể cả đỉnh cao là thời kỳ Thơ Mới. Tính cập nhật quyết liệt, lòng yêu nước cháy bỏng trong chiến tranh, ý thức chủ động phục vụ cho các nhiệm vụ chiến lược của đất nước, tinh thần lạc quan và hăm hở khám phá để khẳng định được cái mới trong đời sống... tất cả những điều đó, hơn bao giờ hết, được đề cao và được coi là tiêu chí phấn đấu cho sáng tác của thời chúng tôi. Ngày hôm nay, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta dễ rơi vào cách suy nghĩ hạn hẹp kiểu “dậu đổ bìm leo”, đổ lỗi cho chủ nghĩa nhân văn cao đẹp đó - trong khát vọng lớn, muốn làm nên việc“vá trời” vĩ đại mà chưa trọn vẹn -, cào bằng với những mảng vôi vữa nứt vỡ ra từ chủ nghĩa xã hội bao cấp thất bại, cụ thể là từ hiện thực đời sống bị thu hẹp vào nền kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc, nghèo nàn, duy ý chí đến mức ấu trĩ; rồi từ đó chỉ còn có việc diễu cợt và phủ nhận cả quá khứ! Nếu thế, có lẽ hôm nay chúng ta cũng lạnh lùng quay ngoắt lưng lại với tất cả những nhà thơ nhân văn chủ nghĩa hàng đầu thế kỷ XX chăng, những bậc thày lừng lững như Yannis Ritsos, Nazim Hickmet, Pablo Néruda, Paul Éluard, Louis Aragon, Bertolt Brecht, Nicolas Guillen, Vitezslav Nezval, v.v... những nhà thơ lớn, dù đã trải qua biết bao lầm lạc, mất mát, thử thách, tù đày, nhưng đã đứng vững cùng chiến tuyến với chúng ta mãi cho đến trọn cuộc đời? Vì vậy, sẽ là không công bằng, khi chúng ta không dám tự tin nhìn lại những giá trị tinh thần đích thực một thời, đã thực sự là một phần của lịch sử. Trên 40 năm sáng tác và dịch thuật đã được tác giả gói gọn trong một Tuyển tập này, tuy chưa phải là tất cả, nhưng hy vọng là cũng đủ tái hiện lại từng giai đoạn đáng ghi nhớ của một đời thơ, từ lúc chập chững cho đến khi trưởng thành. Nó cũng có thể coi là chứng tích và trải nghiệm cho cả một thời đối với một người sáng tác, và cũng là lời tự bạch của một con người đặt trong mối quan hệ gắn bó tương hỗ với mọi người xung quanh. Đọc lại hơn 40 năm thơ của mình, đôi lúc, tự tác giả cũng có tâm trạng bùi ngùi, có khi ngỡ như chối bỏ: Thế kỷ XX đang bước xa dần
Còn day dứt phần đời cam go, nghèo khó
Trời ơi! Những câu thơ từng say mê thế
Chẳng lẽ cũng là đồ vật cũ mà thôi!...