Lời Nguyền Hai Trăm Năm
Sức hấp dẫn của Lời Nguyền Hai Trăm Năm trước hết là ở cốt truyện. Có hai câu truyện được kể cùng một lúc. Đó là kiểu cấu trúc khá mới lạ vào thời điểm cuốn tiểu thuyết xuất hiện. Trước đây nhiều nhà văn dùng kỹ thuật kể truyện trong kể truyện để tạo môt cấu trúc kép. Khôi Vũ có cách cấu trúc song song. Anh kể hai câu truyện, xen kẽ nhau, lấy mốc thời gian từng năm để định chương: Câu truyện năm đời của dòng họ Lê, từ 1802 đến 1988, và câu truyện Hai Thìn trở về làng biển Cát từ 1977 đến 1988. Người đọc bị hấp dẫn bởi hai câu truyện, nhưng đồng thời cũng cảm thấy thật thú vị khi nhận ra Khôi Vũ đã khéo léo cài đặt, ráp nối hai tuyến nhân vật và sự kiện trong những không gian và thời gian khác nhau, để đi tới một kết thúc toàn vẹn, giải quyết mọi vấn đề của cả quá khứ và hiện tại. Vấn đề của quá khứ là lời nguyền của họ Vũ. Bốn đời họ Lê đã phải làm ác mới có con trai nối dòng, kể cả Thích Huệ Mẫn, dù hối hận về hành động tội ác của mình, dù đã tu hành, vẫn muốn con mình là Hai Thìn phạm tội. Đến đời thứ năm, Hai Thìn không tin sự ứng nghiệm của lời nguyền, anh nhất quyết từ chối làm xấu, làm ác. A chọn cuộc sống tự do tuyệt đối, sống với lương tâm của mình, cương quyết không làm gì trái với lương tâm. Anh đã thắng được lời nguyền. Anh chết trong lòng yêu thương của nhân dân, để lại một đứa con trai. Điều thú vị của cốt truyện nằm trong tư tưởng của tác phẩm này. Nhìn kỹ vào tội ác 4 đời họ Lê đã làm, đó là những tội ác gì ? hầu hết là tội phản bội, từ đó gây ra cái chết bi thương cho đồng đội, cho nhân dân. Ông tổ thứ Nhất làm phản triều Nguyễn, Ông tổ thứ Hai là Gia Trí đã phản bội Trương Định. Ông tổ thứ ba là Châu Toàn đã phản bội Tòng Mật (bà cả Mọi). Tổ thứ tư là Phú Quý (Hai xung phong) đã phản bội đảng mình, làm hại đồng chí. Hai Thìn là đời thứ năm cũng bị quyến rũ phản bội lại nhân dân trong việc đòi lại đình thờ tổ. Đọc Lời Nguyền Hai Trăm Năm, người đọc nhận ra bản chất của hiện thực, của cõi người này, từ xưa đến nay là sự phản bội. Người ta vì quyền lợi cuả cá nhân mình mà sẵn sàng phản bội, sẵn sàng bán đứng tất cả, sẵn sàng gây ra tội ác cho đồng đội, đồng chí, đồng bào mình. Khôi Vũ đã phản đối mạnh mẽ cái tưởng như định mệnh không thay đổi ấy bằng hành động đấu tranh tích cực của Hai Thìn. Giá trị thực của đời người là nghiã tình với cộng đồng, với người dân làng xã, là cống hiến công sức cho sự sống chung. Sự tồn tại đích thực của một con người phải là sự tồn tại tự do, thẳng thắn, bao dung. Nhờ thế anh được biển tặng cho anh tất cả những gì anh đã bị tước đoạt mất, cả ước mơ cháy bỏng là có được đưá con trai nối dòng. Nhưng hạnh phúc lớn nhất mà anh có được là những gì anh đã cống hiến cho dân làng. Anh ra đi thanh thản trong sự yêu thương cuả mọi người.