Bí Mật Đảo Lincoln
Jules Gabriel Verne, thường được biết đến với tên Jules Verne, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1828, mất ngày 24 tháng 3 năm 1905, là nhà văn Pháp nổi tiếng, người đi tiên phong trong thể loại văn học Khoa học viễn tưởng và được coi là một trong những “Cha đẻ” của thể loại này. Với những tác phẩm nổi tiếng như Chuyến đi vào tâm Trái Đất (1864), Hai vạn dặm dưới đáy biển (1870), Tám mươi ngày vòng quanh Thế giới (1873), Jules Verne đã đề cập đến những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm hay những chuyến du hành vào vũ trụ trước khi những phương tiện này được con người phát minh trong thực tế. Theo tổ chức Index Translationum, ông là người có tác phẩm được dịch nhiều thứ ba trên thế giới, những tác phẩm của ông cũng được chuyển thể thành phim nhiều lần. Sau khi các tiểu thuyết “Những đứa con của thuyền trưởng Grant” (1868) và “Hai vạn dặm dưới biển” (1870) ra đời, được bạn đọc gần xa nhiệt liệt tán thưởng, năm 1875, Jules Verne (1828 - 1905), nhà văn Pháp nổi tiếng, một trong những người sáng lập thể loại truyện khoa học viễn tưởng, đã cho xuất bản tiếp tiểu thuyết “Bí mật đảo Lincoln”[1]. Trong cuốn tiểu thuyết mới này, tác giả đã tiếp tục phát triển cốt truyện sinh động và hấp dẫn của hai tiểu thuyết trên, vì vậy nó đã liên kết các tác phẩm ấy thành bộ tiểu thuyết ba tập duy nhất và nổi tiếng nhất của Jules Verne: “Những đứa con của thuyền trưởng Grant”, “Hai vạn dặm dưới biển” và “Bí mật đảo Lincoln”. Ta gặp trong “Bí mật đảo Lincoln” kỹ sư Cyrus Smith, nhà báo Gédéon Spilett, anh da đen Nab, thủy thủ Pencroff và chú thiếu niên Harbert. Họ là những người Mỹ lương thiện trốn khỏi trại tù binh bằng một quả khinh khí cầu, nhưng chẳng may bị bão cuốn, gặp tai nạn, rơi xuống một hòn đảo hoang ở Thái Bình Dương, cách rất xa đất liền, trở thành những người trần trụi giữa mảnh đất trần trụi. Họ thiếu thốn đủ mọi thứ cần thiết nhất cho cuộc sống của con người bình thường: không có cái ăn, không có lửa, không có một cái gì có thể gọi là công cụ… Thực tế đã buộc họ trở lại sống chẳng khác gì những người hoang sơ: ở hang, dùng đá, gậy, cung, tên để săn bắt muôn thú sống qua ngày. Song, là những người từng trải, mỗi người lại có những kiến thức và kinh nghiệm sống trong xã hội văn minh, họ không tỏ ra thất vọng, bi quan, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh khắc nghiệt. Dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Cyrus Smith, một người trí thức tài năng, rất cần cù, sáng tạo, đôn hậu và chân thành, linh hồn của cả toán, những người bị nạn ấy đã dần dần vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật để chinh phục thiên nhiên, khai thác các tài nguyên tại chỗ, làm ra những thứ cần thiết cho cuộc sống của con người văn minh - lấy lửa, nung gạch, luyện sắt thép, chế thuốc súng, vũ khí, công cụ lao động, máy điện báo, đóng tàu, trồng lúa, nuôi gia súc, gia cầm… Từ những người bị nạn họ trở thành những người di dân chung sức chung lòng xây dựng hòn đảo hoang mà họ đã đặt tên là đảo “Lincoln” thành một vùng di dân trù phú, một công xã tiêu biểu cho lối sống mới - con người trong cộng đồng, trong tập thể đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, không phân biệt địa vị xã hội, màu da, cùng hòa mình trong lao động tận tụy vì sự nghiệp chung…