Xã Hội Diễn Cảnh
Có một cuộc sống đầy “tiếng ồn và cuồng nộ”, bị bệnh nặng do say rượu hầu như suốt đời, kết thúc bằng việc tự sát, Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20. Chịu ảnh hưởng sâu đậm chủ nghĩa Marx, ông thường được xem là thuộc cánh cực tả chủ trương cách mạng triệt để. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là La société du spectacle (Xã hội diễn cảnh) thường được nhiều người đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau... Thế mà, cách đây hơn ba năm, ông lại được chính quyền Pháp (lúc đó do phái hữu nắm) chính thức công nhận là “bảo vật quốc gia”, và bỏ ra gần ba triệu euro để mua các tư liệu lưu trữ của ông! Về tác giả: Guy-Ernest Debord sinh năm 1931 ở Paris. Mẹ ông thuộc một gia đình tư sản trung lưu chủ nhà máy sản xuất giày, cha ông chỉ là một điều chế viên dược, bị bệnh lao phổi sau khi ông ra đời, và mất khi ông mới lên bốn. Trước Thế chiến II, sau khi dọn xuống Nice, mẹ Debord sống và có thêm hai con (một gái một trai) với Domenico Bignoli, - một người Italia dạy lái ô tô và hoạt động cho phát xít Italia ở vùng Côte d’Azur, mà Debord rất quý. Nhờ ông Bignoli, Debord biết tiếng Italia. Năm 1942, gia đình ông dời đến Pau. Năm sau, mẹ Debord lại yêu một công chứng viên giàu có, nên đoạn tuyệt với Bignoli. Năm 1945, gia đình dời đến Cannes, nơi Debord học trung học rồi đậu tú tài vào năm 1951. Năm 1952, mẹ Debord yêu một người đã có vợ và dan díu với ông này trong gần 30 năm. Theo Christophe Bourseiller1, do hầu như không có cha, Debord luôn ngờ vực các “khuôn mặt cha”; chính vì thế ông đã chống phá những người mà ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc như André Breton (1896-1966), Cornelius Castoriadis (1922-1997), Henri Lefebvre (1901-1991)..., theo kiểu một đứa con hay có ý nghĩ giết cha!