Những Di Chúc Bị Phản Bội
Cùng với "Nghệ thuật tiểu thuyết", "Những di chúc bị phản bội" có thể nói là mảnh ghép thứ hai, làm hoàn chỉnh Nghệ thuật tiểu thuyết Milan Kundera. Nếu như ở "Nghệ thuật tiểu thuyết", Kundera khảo sát về Cervantes, Herman Broch, và Franz Kafka, thì ở "Những di chúc bị phản bội" này, ông dành sự quan tâm cho những nhà văn lớn của thế kỷ XX như: Thomas Mann, Hemingway, Rebelais, và Franz Kafka (lại là Franz Kafka), và những nhà soạn nhạc lớn mà ông ngưỡng mộ: Stravinski và Janacek. Thật trùng hợp, Murakami cũng rất yêu thích Franz Kafka và Janacek (hai nhà văn này có những sự trùng hợp khá ngẫu nhiên: đều đam mê nhạc cổ điển (Kundera học nhạc từ nhỏ, còn Murakami là nhà sưu tập đĩa nhạc có hạng), và đều cố ý gắn kết âm nhạc và tiểu thuyết lại với nhau trong những sáng tác của mình). Ở cuốn sách này, Milan Kundera đặc biệt dành nhiều trang cho âm nhạc, và với những ai không có kiến thức rành rẽ về nhạc cổ điển có thể thấy buồn ngủ chán chường ở những đoạn này, vì ông viết với một kiến thức chuyên môn của người trong nghề. Cả 2 cuốn tiểu luận đều làm cho người đọc cảm thấy choáng ngợp với kiến thức về âm nhạc, tiểu thuyết và tính triết luận của Kundera (điều này là rất thường xuyên trong những tiểu thuyết và tiểu luận văn học của ông). Tuy nhiên, tôi đặc biệt lấy làm thích thú một đoạn "ngoại đề": Ở chương 6 đoạn 17, M.K viết về người thầy dạy nhạc cho M.K lúc ông 13, 14 tuổi. Trước khi bị chuyển đến Terezin (một pháo đài bị Đức Quốc Xã dựng lên làm nhà tù cho người Do Thái ở Tiệp Khắc thời đó), ông vẫn "lớn tiếng suy nghĩ trước một đứa bé về vấn đề kết cấu của tác phẩm nghệ thuật". "Nghệ thuật tiểu thuyết" và "Những di chúc bị phản bội" chắc chắn là 2 trong số những cuốn sách về tiểu luận văn chương hay nhất mà tôi từng được đọc. Có thể nói, nhà văn Nguyên Ngọc đã rất tinh tế và thông minh, khi gộp in chung 2 quyển này vào 1 cuốn sách Tiẻu luận văn học, vì chúng cần được đọc chung chứ không phải tách rời.