Cát Bụi Chân Ai
Đây không phải là một cuốn sách văn trau chuốt, lời lẽ ngọt ngào, tâm tình hay kể chuyện người, chuyện đời nói chung mà những dòng hồi tưởng về những câu chuyện của giới văn nghệ sĩ từ trước những năm 45 đến thời kháng chiến. Đọc để thêm hiểu. Đọc để thêm yêu. Đó là cách tôi đã tiếp nhận tác phẩm. Lần giở theo từng trang sách, ta thấy những nhà văn, nhà thơ quen thuộc, có cả những người mà ta hằng thần tượng. Nguyễn Tuân thì "không chịu được mùi hoa sữa, ghét lây cả cây. Chén cà phê nâu sành lồi lõm, có khi nhấp một ngụm, rồi bỏ lạnh ngắt", Nguyễn Tuân thích đi nhưng "mọi sửa soạn còn kỹ lưỡng hơn đi", "cẩn thận đã thành thói quen và cầu kỳ đến đam mê". Tôi chợt vỡ lẽ: Nguyễn Tuân thật cẩn thận, trau chuốt cả trong cách viết và trong cuộc sống hằng ngày. Ta còn biết thêm về cái thích và cái vui ẩm thực của ông "không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng mà phải là hợp khẩu vị, ngon theo ý mình". Nhà thơ Nguyễn Bính với những vẫn thơ ngọt ngào làm bao người say đắm thì làm tôi hơi thất vọng chút "thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy rồi lại nhăng cuội đấy". Rồi thì Nguyên Hồng, Kim Lân, Minh Đức, Xuân Diệu...Cuốn sách như những thước phim quay chậm, cung cấp cho ta bao điều lí thú. Với Tô Hoài, những gì ở cuộc đời thực, những gì ông chứng kiến, trải qua đều được trở thành những chi tiết sống động trong tác phẩm. Chính nhờ điều ấy mà người đọc đã có thêm nhiều hiểu biết thú vị về những người tài hoa của dân tộc trong cuộc sống đời thường.