Săn Sóc Sự Học Của Con Em
Trong lời tựa của Học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Khả năng của dân tộc Việt Nam thật là đáng kính! từ đầu thế kỉ đến nay, khắp thế giới, chưa nước nào chịu nạn chiến tranh lâu như nước ta, non chín năm trời rồi, nếu kể cả từ hồi quân đội Nhật Bản đổ bộ lên Hải Phòng thì là trên mười hai năm. Điều làm cho ta tự hào nhất là trong những hoàn cảnh như vậy mà sự học vẫn phát triển, đều đều và mạnh mẽ. Trường học dựng lên nhiều. Khắp nước tiếng học vang lên. Hồi tiền chiến, cả nước may lắm được độ mười lăm trường Trung học, bây giờ có tới trên trăm rưỡi.Sự học mạnh tiến như vậy là do nhiều nguyên nhân. Hồi trước người ta hạn chế sự giáo dục, không mở thêm trường, đặt ra những kỳ thi gắt gao để lựa học sinh, không khuyến khích sự mở trường tư; bây giờ thì ngược lại, nên số học sinh tăng lên rất mau.Rồi chúng ta lại nghĩ xa hơn: nước Việt Nam độc lập sẽ thiếu rất nhiều cán bộ trong mọi ngành hoạt động, ta phải đào luyện con em để chúng lãnh nổi nhiệm vụ giữ gìn non sông và kiến thiết quốc gia sau này.Vậy săn sóc sự học của trẻ là một bổn phận của phụ huynh và là một nghệ thuật cần biết một chút ít về tâm lý và môn sư phạm.Sách tuy mỏng mà có thể đem hạnh phúc về gia đình. Mỗi lần vào gia đình nào mà thấy dưới ánh đèn, một đầu hoa râm và một đầu xanh cùng cúi trên một trang sách, thì không cần xét điều gì khác nữa”.