Khát Vọng Đổi Đời
Stefan Zweig – nhà văn nổi tiếng người Áo, từ trước đến nay luôn được biết đến là một tác gia có sự phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc ở mảng truyện ngắn. Người ta biết nhiều đến ông qua hai tác phẩm tiêu biểu: 24 giờ trong đời người đàn bà và Bức thư của người đàn bà không quen; thế nhưng, không chỉ ở mảng truyện ngắn, với tiểu thuyết mặc cho một số lượng khiêm tốn (chỉ hai tác phẩm cho đến khi cơn bĩ cực trào đến) Stefan Zweig cũng kịp ghi tên mình vào danh sách những tác gia viết tiếng Đức có ảnh hưởng vô cùng lớn đến thế hệ người đọc, bên cạnh những Thomas Mann, Frank Kafka hay Thomas Bernhard,… Khát vọng đổi đời là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, được xuất bản sau 40 năm từ khi cái chết ngỡ ngàng ập đến, nhưng dư âm của nó vẫn mãi còn đó, thâm nhập len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, trở thành những giá trị tuy không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Trong Khát vọng đổi đời, Stefan Zweig, bậc thầy về phân tích tâm lý con người, đã phơi bày ra những góc khuất của chủ nghĩa tư bản. Câu chuyện kể về cô gái tên là Christine, nhân viên tại một trạm bưu điện xa xôi thuộc nước Áo. Bố và anh trai đã mất trong chiến tranh, Christine sống với bà mẹ già nua bệnh tật trong một căn phòng ọp ẹp tồi tàn và ngày qua ngày làm công việc nhàm chán. Cho đến một hôm, người dì đã lưu lạc sang Mỹ 25 năm trước của Christine mời nàng đến nghỉ cùng vợ chồng họ trên dãy núi Alps thuộc Thụy Sĩ. Christine gói ghém đồ đạc tới chỗ dì Claire ở Pontresina và hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh giàu sang phú quý nơi đây. Dì Claire đã đưa nàng bước chân vào thế giới thượng lưu hào nhoáng. Từ đây, cuộc đời nàng bước sang một trang mới với những mật ngọt cùng những giăng mắc mà nó bày ra. "Khát vọng đổi đời" là một cuốn tiểu thuyết lạ, bởi nhẽ, nó được viết ngắt quãng hai phần. Phần đầu, cuộc đời chính của nhân vật Christina Hoflehner, như một vở kịch dang dở phê phán thế giới phù hoa, nơi mọi chân giá trị bị đảo ngược. Thế nhưng sau khi câu chuyện phôi thai thành hình, Stefan Zweig lại gác bút để đó, vì như ông chia sẻ trong những bức thư còn lại “tôi rơi vào một vực thẳm sâu hoắm không sao vượt qua nổi”. Và chính sự trỗi dậy của đế chế thứ 3 khi dáng hình Hitler bao trùm lên toàn thể châu Âu, đã như cú thúc vào trong tâm trí khiến cây bút lại một lần nữa phải được cầm lên. Phần sau, trong nỗi ngậm ngùi thế nhưng lại can đảm nhất, thật thà nhất và cũng đau đớn nhất; được ông viết sau khi đã lưu vong sang London. Ở đó Ferdinand được ông xây dựng như hình tượng chính mình: một con người đã mất tất cả: quê hương, xứ sở, nguồn gốc, tên tuổi, … Tựa Sylvia Path hay Szabo Magda khi dùng thế giới quan cá nhân để viết nên Quả chuông ác mộng hay Cánh cửa, Stefan Zweig ở đây cũng bằng một sự dũng cảm tự thân khoét sâu vào nỗi đau mình, hy sinh một phần thân thể để viết nên cái vết thương đã mưng mủ của rất nhiều người mà chỉ sau một đêm cơn bão thời cuộc đã quét sạch gọn ghẽ chính họ ra khỏi mảnh sân của mình. "Khát vọng đổi đời" được Stefan Zweig hoàn thành trong những năm 30 của thế kỷ XX nhưng chỉ được xuất bản 40 năm sau khi ông qua đời.