Cho Là Nhận
Tập sách này được viết ra với mong muốn chia sẻ cùng bạn đọc những điều đó, mặc dù chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hạn chế xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của người viết, nhưng dù sao thì mọi trang viết đều sẽ cố gắng dựa trên những nền tảng cụ thể và chắc chắn đã được xây dựng và thử thách qua thời gian. Nền tảng đó chính là những lời dạy của một người đã từng bước đi trên mặt đất của hành tinh này từ cách đây hơn 2.500 năm, nhưng cho đến nay vẫn luôn giữ được tính chính xác đến mức có thể làm ngạc nhiên bất kỳ ai đang sống ở thế kỷ 21 này. Con người với trí tuệ siêu việt ấy chính là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người đã để lại một khối lượng văn bản khổng lồ được gọi là Kinh tạng, chỉ nhằm mỗi một mục đích duy nhất là giúp cho nhân loại có thể từng bước giảm nhẹ và dần dần đạt đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau trong đời sống. Mặc dù được ghi chép thành một số lượng văn bản khổng lồ trong Kinh tạng, nhưng những lời dạy của đức Phật nhìn chung luôn được ngài đưa ra dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, đó là những lời dạy xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của ngài, muốn cho mọi con người đều được thoát khổ được vui, nên bao giờ cũng thích hợp với người nghe để họ có thể nhận hiểu và thực hiện được, nhằm mang lại sự an vui và lợi ích cho đời sống của họ. Yếu tố này được gọi là khế cơ, nghĩa là thích hợp với căn cơ, trình độ và năng lực của người nghe. Do mỗi con người chúng ta đều là một thực thể cá biệt, không ai hoàn toàn giống với ai, nên những lời dạy của đức Phật cũng bao gồm rất nhiều phương pháp, nhiều mức độ cao thấp khác nhau, để có thể thích hợp với từng hạng người khác nhau. Thứ hai, đó là những lời dạy xuất phát từ trí tuệ thấy biết như thật của ngài, nên bao giờ cũng là chân thật, đúng chân lý, để người nghe có thể tin cậy và làm theo mà không sợ rơi vào sự sai trái, lầm lẫn. Yếu tố này được gọi là khế lý, nghĩa là phù hợp với chân lý, với thực tiễn đời sống, không hề có sự sai lầm hay phiến diện. Tuy nhiên, do chúng ta từ lâu đã quen nhìn cuộc sống theo một cách nhìn đầy những định kiến sai lầm và hạn hẹp, nên việc nhận ra được tính chất đúng thật trong lời dạy của đức Phật tự nó đã là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của mỗi người. Nếu chúng ta chỉ tiếp cận những lời Phật dạy một cách hời hợt, thiếu suy nghĩ, ta sẽ rất khó lòng nhận hiểu được sự đúng thật trong những lời dạy ấy. Chính nhờ có hai tính khế cơ và khế lý như trên mà cho dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ, những lời dạy của đức Phật vẫn còn giữ nguyên được giá trị như khi lần đầu tiên được nói ra từ kim khẩu của ngài. Khi nhận hiểu và thực hành theo những lời dạy đó, chắc chắn mỗi người chúng ta đều sẽ nhận được những an vui lợi lạc trong đời sống, và cũng chính qua đó mà ta sẽ dần dần tự mình nhận hiểu ra được những giá trị cũng như ý nghĩa thực sự của đời sống này.