Vua Lear
“Vua Lear” được William Shakespeare viết vào khoảng năm 1604, là một trong những vở kịch giàu kịch tính và nhiều tầng ý nghĩa nhất của nhà viết kịch lừng danh người Anh, xoay quanh nhân vật trung tâm là Vua Lear với những bi kịch, mâu thuẫn chồng chất. “Vua Lear” chưa bao giờ cũ về cả ngôn từ cho đến hành động kịch và nhất là thông điệp gửi đến khán giả. Ngay khi cánh màn nhung vừa được mở ra, chỉ sau vài phút của những vui vẻ, thư giãn, xung đột kịch đã xuất hiện một cách mạnh mẽ, nhanh, cuốn khán giả vào 2 tuyến xung đột kịch cùng phát triển để cuối cùng gặp gỡ, tạo thành nút thắt chỉ có thể giải quyết bằng tấn bi kịch. Trước tiên là xung đột của vua Lear với 3 cô con gái: Goneril, Regan và Cordelia được bắt đầu từ việc ông từ bỏ ngai vàng và chia giang sơn cho các con cai quản. Tuy nhiên, việc này được định đoạt qua lời nói chứ không phải bằng việc làm, nghĩa là 3 cô con gái phải bày tỏ tấm lòng mình với cha. Đó cũng là khởi nguồn của tấn bi kịch khi người cha ấy chỉ chấp nhận lời nói tung hô, ngọt ngào của sự giả dối từ Goneril, Regan mà không chấp nhận lời nói có phần trái tai song được xuất phát từ tấm lòng chân thực của công chúa út Cordelia. Tình huống xung đột này dường như hiển hiện ngay giữa cuộc sống đời thường hôm nay chứ đâu phải chỉ ở trong chốn cung điện cách đây mấy trăm năm. Vì thế, ở góc độ gia đình, “Vua Lear” rất xa xưa ấy vẫn có thể gặp gỡ và là nơi để khán giả hôm nay, từ các bậc làm cha mẹ cho đến những đứa con dần lớn khôn, trưởng thành, được dịp cùng chia sẻ và giãi bày những cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố...